Dân Việt

Huyền thoại phi công Việt Nam khiến không quân Mỹ khiếp vía

Đăng Nguyễn - NI 14/07/2018 11:55 GMT+7
Có một phi công Việt Nam từng khiến không quân Mỹ khiếp sợ và các sử gia Mỹ đã từng mất nhiều công sức để tìm hiểu về người anh hùng này.

img

Một chiếc tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 5063.

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin viết trên tạp chí National Interest rằng ông biết tên cái tên Nguyễn Tomb khi mới lên 10 tuổi.

Đó là cái tên xuất hiện trong trò chơi điện tử Chuck Yeager’s Air Combat. Trong một nhiệm vụ, người chơi phải đối đầu với phi công Tomb của Việt Nam, nổi tiếng với kỷ lục diệt 13 mục tiêu trên không.

Phi công Việt Nam huyền thoại

Trên lý thuyết, không chiến ở Việt Nam lẽ ra là mặt trận mà Mỹ nắm ưu thế hoàn toàn. Không quân và hải quân Mỹ sở hữu lực lượng mạnh nhất trên thế giới.

Việt Nam không có nhiều máy bay, đa phần do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ, huấn luyện.

Chiến thuật của phi công MiG Việt Nam là tấn công bất ngờ và rút nhanh nhằm vào phi đội máy bay Mỹ, vốn bay theo kế hoạch định sẵn. Điều này gây tổn thất lớn cho các máy bay ném bom F-105 Thunderchielf của Mỹ, khiến các máy bay Mỹ phải hủy bỏ kế hoạch hoặc buộc phải ném bom sớm.

Cơ quan tình báo NSA của Mỹ khi đó nghe trộm liên lạc qua radio của Việt Nam và biết đến Nguyễn Tomb, một viên phi công xuất sắc, đạt thành tích “Ace” (tiêu diệt 5 máy bay địch trong một lần xuất kích).

NSA coi Nguyễn Tomb là mối đe dọa nghiêm trọng, khiến các chỉ huy không lực số 7 của Mỹ muốn tiêu diệt bằng được.

img

Phi đội tiêm kích "Bóng ma" F-4 của hải quân Mỹ.

Mỗi khi Nguyễn Tomb có kế hoạch bay là NSA lại cảnh báo với các tướng lĩnh.

Không quân Mỹ cũng truyền tay nhau hình ảnh chiếc MiG-17 mang số hiệu 3020 với 6 ngôi sao trên mũi, mỗi ngôi sao đại diện cho một chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ. Đó chỉ có thể là máy bay chiến đấu của anh hùng Nguyễn Tomb.

Một tấm ảnh khác của máy bay MiG-21 mang số hiệu 4326 và có 13 ngôi sao cũng được cho là máy bay Nguyễn Tomb. Bởi người Mỹ cho rằng khó có ai khác bắn hạ được nhiều máy bay như vậy, theo tác giả Sebastien Roblin.

Trận chiến cuối cùng

Năm 1972, Mỹ mở Chiến dịch Linebacker ném bom đánh phá miền Bắc kéo dài 6 tháng. Theo tác giả Sebastien Roblin, trong cuộc đụng độ khốc liệt vào ngày 10.5.1972, hai phi công Randy "Duke" Cunningham và Junior Grade William “Irish” Driscoll đã có cơ hội giáp mặt với Nguyễn Tomb.

Họ trải qua nhiều giờ giao chiến với phi đội tiêm kích MiG-17 của Việt Nam, tiêu diệt một số máy bay và quyết định trở về căn cứ vì bị đối phương áp đảo.

Đó là lúc Cunningham phát hiện một chiếc MiG-17 đơn độc đang hướng về phía mình. Cunningham quyết định lao tới và suýt chút nữa trúng phải loạt đạn của chiếc MiG-17.

img

Tiêm kích MiG-17 của Liên Xô.

Trong quá trình vờn nhau trên không, Cunningham chỉ kịp nhìn thấy số hiệu 3020 trên chiếc MiG. Viên phi công Mỹ điều khiển máy bay một cách khéo léo nhưng không ngờ người lái chiếc MiG vẫn bám sát.

Truy đuổi ở cự ly gần với tốc độ thấp như vậy là lợi thế của chiếc MiG-17, theo tác giả Sebastien Roblin.

Nhưng Cunningham không chịu thua, phi công Mỹ bay nhanh về phía trước rồi đột ngột quay đầu và bay ngang qua MiG ở góc mà MiG không thể khai hỏa.

Điều này giúp Cunningham có được vị trí lợi thế hơn ở đằng sau chiếc MiG để khai hỏa tên lửa Sidewinder.

Không hiểu lý do vì sao chiếc MiG khi đó đột ngột hạ độ cao, tạo cơ hội để Cunningham tung ra đòn tấn công quyết định khiến MiG nổ tung. Viên phi công Mỹ tin rằng anh ta đã tiêu diệt mục tiêu vì không nhìn thấy có người nhảy dù ra khỏi máy bay. Nhưng Mỹ khi đó vẫn không chắc máy bay bị phá hủy có phải do anh hùng Nguyễn Tomb cầm lái hay không.

Đi tìm sự thật về huyền thoại Nguyễn Tomb

Khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, nhiều nhà sử học của Mỹ bắt đầu đến Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về phi công huyền thoại Nguyễn Tomb (hay Toon).

Nhưng không một cựu phi công Việt Nam nào được hỏi biết đến tên Nguyễn Tomb. Cái tên này cũng không phải tên người Việt Nam.

img

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Bảy.

Có giả thuyết cho rằng Tomb là phi công của Nga. Trong chiến tranh Triều Tiên, các phi công Nga từng trực tiếp lái máy bay Triều Tiên chống lại không quân Mỹ. Nhưng thực tế là không có người Nga nào nhận đã tham gia vào các cuộc không chiến ở Việt Nam.

Trong quá trình tìm hiểu về Nguyễn Tomb, các sử gia Mỹ mới phát hiện những phi công anh hùng của Việt Nam hoàn toàn có thật trên đời.

Tác giả Sebastien Roblin nhắc đến phi công Nguyễn Văn Cốc nổi tiếng của Việt Nam. Ông có thành tích tiêu diệt 9 máy bay đối phương bằng chiếc MiG-21 và nó mang số hiệu 4326.

13 ngôi sao tượng trưng cho 13 chiến thắng bao gồm cả chiến thắng của các viên phi công khác điều khiển chiếc máy bay này. Anh hùng Nguyễn Văn Cốc tham gia huấn luyện ở Nga khi tròn 26 tuổi vào năm 1966.

Trong số 9 thành tích của anh hùng Văn Cốc thì hai chiếc là máy bay không người lái, và 6 trong số 7 chiếc còn lại đã được Mỹ xác nhận.

Sau đó Nguyễn Văn Cốc được rút khỏi tuyến tiền tuyến để đào tạo thế hệ phi công Việt Nam tiếp theo. Đây là những người đã tham gia vào các cuộc không chiến năm 1972.

Một phi công anh hùng khác của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bảy, cũng bắn hạ được 7 máy bay Mỹ chỉ với chiếc MiG-17, theo National Interest.  Và cả ba anh hùng kể trên đều sống sót sau cuộc chiến.

Có thể nói, Nguyễn Tomb cho đến nay vẫn là phi công Việt Nam huyền thoại được người Mỹ tôn vinh. Trong quá trình tìm kiếm danh tính người anh hùng này, các sử gia Mỹ đã phát hiện nhiều phi công Việt Nam khác có thành tích không hề thua kém.

Chuyện hai đặc công Việt Nam đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Hai đặc công Việt Nam bí mật xâm nhập vào cảng Sài Gòn, mỗi người mang theo 40kg thuốc nổ và các bộ phận cần thiết...