Dân Việt

Phân hoá để liên kết

13/12/2011 14:57 GMT+7
(Dân Việt) - Hội nghị cấp cao EU mới rồi chưa biết liệu có giúp EU vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện tại hay không nhưng đã làm phân hoá nội bộ EU.

Dưới áp lực và sự thôi thúc của Đức và Pháp, EU với 27 thành viên đã trở thành EU của 26 thành viên và nước Anh là thành viên EU trên danh nghĩa, nhưng đứng ngoài EU trong thực chất. Tất cả 17 thành viên EU sử dụng đồng tiền chung euro đã quyết định đi con đường riêng là ký kết những thoả thuận pháp lý khác để kiềm chế nợ công, kiểm soát chi tiêu ngân sách, phối hợp chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn về chính sách tài chính, tiền tệ và kinh tế. 9 thành viên EU khác chờ ý kiến quyết định của quốc hội trước khi tham gia. Chỉ có Anh là biệt lập và cô lập trong EU.

EU bị phân hoá trong nội bộ không chỉ trên phương diện phân tầng chia lớp này, mà còn ở tình trạng bất bình đẳng giữa các thành viên về phương diện vị thế quyền lực. Trước đó và đặc biệt ở hội nghị này, Đức và Pháp đều muốn đảm nhận và thể hiện vai trò đặc biệt, lấn át và áp đặt đối với tất cả các thành viên khác. Sự hưởng ứng những đề xuất của Đức và Pháp không hẳn hoàn toàn thực tâm và trên cơ sở được thuyết phục mà miễn cưỡng, thậm chí cả bắt buộc. Nội bộ EU bởi thế có tình trạng bằng mặt không bằng lòng và co cụm mới.

Trừ Anh, tất cả các thành viên EU khác chấp nhận sự phân hoá ấy trong hy vọng sẽ tăng cường được liên kết bên trong, chấp nhận sự trả giá này như một đầu tư vào chính hy vọng ấy. Chấp nhận phân hoá để củng cố liên kết như thế là sự lựa chọn tình thế không thể nào khác được của EU, nhưng cũng kèm theo đầy rủi ro mới đối với EU khi không còn kiểm soát được sự phân hoá mà kết quả liên kết lại không được như mong đợi.