Dân Việt

Kỳ thú: Theo chân thợ săn lên rừng tìm những giọt "mật trường sinh"

Hà Hoàng 17/07/2018 13:00 GMT+7
Hàng năm cứ vào tháng 3 – 10 dương lịch là thời điểm đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao biên giới sinh sống tại bản Tá Bạ 1 (xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) lại rủ nhau lên rừng săn mật ong-thứ đặc sản được ví như "mật trường sinh". Nghề săn mật ong rừng tuy vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân nơi đây.

Nghề lấy mật ong rừng diễn ra từ tháng 3 - 10 dương lịch hàng năm. Vào mùa ong làm mật, nhiều gia đình dân tộc Mông ở bản Tá Bạ 1, xã Tá Bạ gần biên giới thường thành lập nhóm  từ 2 - 3 người vào rừng lấy mật ong rừng mang ra chợ huyện bán, số tiền kiếm được chia đều cho nhau. Tuy nhiên, để có thể săn được mật ong rừng đòi hỏi những người tham gia phải có sức khỏe tốt, trèo cây giỏi, có tinh thần đoàn kết trong nhóm. Hành trình thu được những lít mật ong rừng nguyên chất từ rừng già, nhóm thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả, nguy hiểm như tìm ong, lấy tổ ong, vắt mật...

img

Anh Khua (từ phải sang) đang lấy mật ong cho vào lọ 

Anh Vang A Khua, bản Tá Bạ 1, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè cho biết: “Để tìm được nơi ong làm tổ, chúng tôi thường đi theo các con suối ở trong rừng để quan sát đàn ong xuống lấy nước. Sau khi lấy nước nhìn theo hướng ong bay để tìm tổ của chúng, những con ong già thường rất khôn ngoan, chúng bay vòng vèo để đánh lạc hướng, còn những con ong non sẽ bay thẳng về tổ nên sẽ dễ tìm hơn. Khi phát hiện tổ ong, chúng tôi sẽ nhìn vào cách ong bám vào tổ để biết thời gian lấy mật sao cho không để mật quá già hoặc quá non”.

img

Để lấy được mật ong rừng người thợ săn phải có sức khỏe tốt và biết leo trèo cây giỏi. Có những tổ ong rừng treo tít trên những cành cây cao cổ thụ như thế này khiến người yếu tim không dám nhìn lên.

Dụng cụ mà anh Khua mang theo rất đơn giản bao gồm: cái xô nhựa, một vài túi ni-lông, dao và bật lửa. Khi lấy được mật tùy vào thời gian của từng chuyến đi lấy mật mà nó sẽ được vắt luôn tại rừng hay sẽ mang về nhà. Từng lít mật ong "trường sinh" sánh mịn, thơm phức sau khi qua giai đoạn chế biến làm sạch sẽ được đóng vào chai thủy tinh để mang ra chợ huyện bán.

Mật ong rừng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Mật ong săn được ở trong rừng sâu càng quý, giúp làm tăng sức dẻo dai cho cơ thể và có tác dụng giúp cơ thể chống nhiễm khuẩn, an thần, chữa được các bệnh về đường hô hấp, ho, viêm thanh quản... Mật ong rừng còn có khả năng sát khuẩn, làm liền sẹo nhanh chóng. Vì vậy mà mật ong rừng luôn được nhiều khách hàng săn đón mọi lúc mọi nơi và nhiều người ví mật ong lấy ở rừng sâu là "mật trường sinh".

img

Mật ong được đông bào dân tộc Mông đựng vào các túi ni - lông để tránh bị rớt mật ra ngoài

“Nghề săn mật ong là nghề thời vụ nhưng khai thác mật ong đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân chúng tôi. Vì thế trong quá trình lấy mật, chúng tôi luôn tìm cách dùng khói để đuổi ong bay đi, hạn chế để ong chết. Nếu lấy mật ong vào ban đêm thì ong không biết đường bay sẽ bị lửa đốt chết rất nhiều, nên hầu như chúng tôi toàn lấy mật vào ban ngày. Mỗi lần lấy mật xong, tôi đều giữ nguyên các tầng sáp để giúp đàn ong tái tạo đàn nhanh hơn”. - anh Khua khẳng định.

img

Sau khi lấy mật ong rừng về, đồng bào dân tộc Mông ở bản bản Tá Bạ 1 (xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vắt ra đựng vào chai thủy tinh mang ra ngoài huyện bán kiếm thêm thu nhập

Từ đầu mùa đến nay, nhóm săn mật ong của anh Khua đã thu hoạch được gần 90 lít mật ong rừng để bán cho các khách hàng ở ngoài huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trung bình, giá 1 lít mật ong rừng nguyên chất được anh Khua bán với giá giao động từ 500.000 đồng - 600.000 đồng / lít. Mỗi mùa lấy mật ong, mang lại cho anh Khua và các thành viên trong nhóm khoảng 25 triệu đồng, một số tiền không nhỏ với một gia đình sinh sống ở khu vực miền núi giáp biên giới nơi cực Tây của tổ Quốc. Số tiền này giúp gia đình anh trang trải cuộc sống và giành tiết kiệm chút ít cho con cái mua sách vở, học hành.

img

Trong quá trình lấy ong mât, đồng bào Mông ở bản Tá Bạ 1, thường giữ nguyên các tầng sáp để giúp đàn ong tái tạo đàn nhanh hơn và sinh sôi nảy nở.

Là một người sinh ra và lớn lên từ rừng núi nên anh Khua rất yêu rừng, coi rừng như máu thịt của mình và mong bầy ong càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Tuy khai thác mật ong nhưng không bao giờ anh lạm sát ong non. “Nếu như mình khai thác một cách vô tội vạ, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Lúc đó, ong sẽ bỏ đi, rừng cây xơ xác và con người cũng sẽ đói nghèo vì không còn lương thực để nuôi sống mình” – anh Khua tâm sự.