Dân Việt

Điểm thi THPT: Bao giờ mới hết "bất thường"?

Chiến Văn 17/07/2018 07:10 GMT+7
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã từng có sự "bất thường" khi xuất hiện “cơn mưa điểm 10" vào năm trước. Năm nay, lại là một "bất thường" khác, tại tỉnh Hà Giang - nơi có điểm giỏi cao vượt trội.

img

Số thí sinh đạt điểm cao của Hà Giang vượt hẳn các địa phương khác.

Theo thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm nay, chỉ tính riêng 3 môn thi Toán, Lý, Hóa, số thí sinh đạt điểm 9 trở lên của Hà Giang đã cao hơn hẳn so với các "đầu tàu" về giáo dục của cả nước là Hà Nội và TP.HCM.

Chỉ riêng điểm thi khối A1, Hà Giang đã có đến 36 thí sinh đạt trung bình từ 27 điểm trở lên, trong khi cả nước chỉ có 76 thí sinh đạt số điểm này. Cụ thể hơn, ở môn Toán - môn được dư luận đánh giá là khiến thí sinh phải "khóc thét", thì Hà Giang "cười tươi" với 57 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên (chiếm gần 1,05% tổng số thí sinh dự thi của cả nước). Trong khi đó, tỉ lệ này của TP.HCM là 0,04% và Hà Nội, Nam Định chỉ đạt lần lượt 0,1% và 0,59%.

So sánh với chính bảng điểm thi của Hà Giang tại kỳ thi năm 2017, có thể thấy, số điểm từ 9 trở lên năm nay của tỉnh này tăng xấp xỉ 2,6 lần?!?

Đáng chú ý là, dù số điểm cao của Hà Giang vượt trội so với các địa phương khác, song tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Giang lại chỉ đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất của cả nước. Đây là mâu thuẫn rất lớn, khiến người ta nghi ngờ rằng, kết quả của kỳ thi này là "xổi", không đánh giá đúng quá trình học tập của thí sinh!?!

img

Tỷ lệ thí sinh khối A1 đạt 27 điểm trở lên của Hà Giang cao bất thường.

Giáo dục là một quá trình, cần nền tảng lâu dài, có sự kế thừa, phát triển theo quy luật, chứ không thể "nhảy cóc" hoặc "đột biến" như những ngành khác. Chưa kể năm nay, kỳ thi được tổ chức đúng vào dịp Hà Giang đang chịu hậu quả nặng nề bởi thiên tai, điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc tổ chức và kết quả của kỳ thi.

Vậy thì, chắc chắn những thống kê trên khiến nhiều người cảm thấy "bất thường". Vấn đề ở chỗ, điều "bất thường" diễn ra ở khâu nào? Tại sao lại có sự "bất thường" đó? Đây là điều dư luận chờ các cơ quan chức năng vào cuộc và làm rõ. Có thông tin rằng, khi đánh giá về kỳ thi năm nay, Bộ GDĐT cho rằng quy trình tổ chức thi, chấm thi được làm rất chặt chẽ. Nhưng chặt chẽ thế, thì tại sao vẫn có sự “bất thường” kia?

Trước "sự kiện" Hà Giang, đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, thầy cô giáo và cả các thí sinh vừa tham gia kỳ thi THPT. Đa số các ý kiến đều cho rằng, sự "nhảy múa" của các con số "đẹp như mơ" kia trước một thực trạng "ảm đạm" chung có dấu hiệu của sự tiêu cực. Có người khẳng định đó là ở khâu coi thi. Có người cho rằng, lỗ hổng ở khâu chấm thi, phần chấm nội dung trắc nghiệm. Cũng có số ít người cho rằng, rất có thể đã có sự "thống nhất" hoặc chỉ đạo của ai đó để các khâu phối hợp nhịp nhàng, tạo ra một cái kết quả chung cuối cùng làm "đẹp lòng" nhiều người.

Việc này chỉ trở thành "bất thường" do năm nay các địa phương khác đã tổ chức thi quá chặt chẽ như khẳng định của Bộ. Trong cái chung chặt chẽ, khách quan ấy, thì đương nhiên, sự gian lận (nếu có) sẽ dễ dàng bị lộ tẩy vì nổi bật lên.

Sau khi nắm được những thông tin "bất thường", Bộ GDĐT đã yêu cầu Hà Giang tiến hành rà soát tất cả các khâu từ coi thi đến chấm thi và báo cáo nhanh kết quả về Bộ. Có ý kiến cho rằng, cần có sự vào cuộc của lực lượng công an thì mới điều tra, tìm ra sự thật. Đây có lẽ là điều ngoài mong muốn của tất cả các bên, nhưng tôi nghĩ, nếu sau khi nghe báo cáo của Hà Giang mà vẫn chưa tìm thấy sự hợp lý, việc cơ quan công an vào cuộc là cần thiết. Bởi lẽ, gian lận trong bất cứ lĩnh vực gì, nhất là trong thi cử, đều không thể chấp nhận được.

Nếu không điều tra, xử lý nghiêm minh, sự "bất thường" của Hà Giang sẽ khiến các địa phương khác cảm thấy "không phục". Và, từ đây, rất có thể sẽ hình thành tâm lý "họ tạo được bất thường, thì ta cũng tạo được". Nếu để xảy ra suy nghĩ, quan điểm ấy, kỳ thi này sẽ chỉ còn là hình thức, là cuộc chạy đua của các trò gian lận, không hơn không kém.

img

Đề thi toán năm nay khó, nhưng Hà Giang vẫn có tới 57 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên.

Lúc đó, chịu thiệt thòi nhất sẽ là nền giáo dục nói chung, vì đã không tự đánh giá đúng thực chất chất lượng đào tạo hiện nay của mình. Tiếp đến, bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là các trường đại học. Bởi họ chỉ biết xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp của các thí sinh, đâu dễ thẩm định, đánh giá xem số điểm ấy có phản ánh đúng thực chất lực học của từng người?

Với những học sinh đỗ nhờ sự "gian lận" ấy, thử hỏi các em có theo được chương trình ở bậc đại học hay không, và kết quả cuối cùng của các em sau khi ra trường là gì? Các trường đại học hiện nay đang liên tục đổi mới chương trình cũng như cách thức đào tạo, sát hạch. Nếu không có kiến thức cơ bản, năng lực thực sự, chắc chắn, các thí sinh dù đỗ đầu vào điểm cao cũng khó lòng tốt nghiệp được, thậm chí, nhiều em sẽ bị đào thải ngay trong quá trình đào tạo. Như vậy, chẳng phải số điểm kia đã hại chính bản thân các thí sinh sao?

Dư luận đang hướng về Hà Giang để chờ ý kiến báo cáo chính thức của họ về sự bất thường này và dõi theo sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GDĐT cùng các cơ quan chức năng khác. Tất cả đều mong rằng, nếu đây đúng là một "sự gian lận tập thể", thì cần phải xử lý nghiêm minh để lấy lại sự công bằng, khách quan trong môi trường giáo dục.

Nhưng, điều mà tôi nghĩ cũng quan trọng không kém, là phải nghiên cứu để xóa bỏ những trường hợp "bất thường" này. Cứ thi kiểu này, biết đâu, năm nay là Hà Giang “bất thường”, sang năm lại là tỉnh khác “không bình thường”? Năm nay ở khâu này, sang năm lại là khâu khác thì sao?

Để tránh được những sự "bất thường" không đáng có, việc cần làm là nghiên cứu, xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT này. Bằng cách, Bộ nên tăng cường sự giám sát, kiểm tra kết quả, chất lượng dạy học và chấm điểm bài thi của học sinh trong suốt thời gian học THPT để xét tốt nghiệp qua điểm trên học bạ. Đồng thời, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng, dựa trên học bạ hoặc cách thi tuyển riêng của từng trường. Như vậy vừa giúp cho các trường đại học tuyển chọn được đầu vào như mình mong muốn, đồng thời tránh được những tiêu cực mang tính "tập thể" ở các địa phương.