Việc bảo tồn san hô, hệ sinh thái biển luôn được các chuyên gia kiểm tra thường xuyên để có những đánh giá kịp thời, chính xác.
Vùng biển xung quanh Cù Lao Chàm vốn có rất nhiều rạn san hô, cùng với các loại rong mơ, cỏ biển, tạo nên hệ sinh thái đa dạng. Đó là môi trường lý tưởng để các loài thủy, hải sản sinh sống.
Tuy nhiên trước đây, cùng với thói quen đánh bắt, khai thác bừa bãi và hoạt động du lịch quá mức đã tác động không nhỏ đến những rạn san hô này. Qua đó làm phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái biển, dẫn đến suy giảm về số lượng, chủng loại thủy, hải sản vốn có ở đây.
Hệ sinh thái rong mơ phát triển phong phú.
Trước tình hình đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã bắt tay vào khoanh vùng bảo vệ, trồng phục hồi rạn san hô nhằm khôi phục lại hệ sinh thái biển như trước đây.
TS. Nguyễn Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới đánh giá cao hệ sinh thái biển, đặc biệt là sự phong phú của những rạn san hô ở Cù Lao Chàm. “Tuy nhiên, việc khai thác không đúng mực, nhất là hoạt động du lịch quá nhiều đã và đang gây tác động xấu đến hệ sinh thái này” - TS. Tú cảnh báo.
Còn những người làm công tác bảo tồn cho rằng, chính quyền địa phương cần phải cân đối lại hoạt động du lịch đang quá “nóng” ở Cù Lao Chàm. Có như vậy mới khôi phục lại, bảo vệ bền vững được san hô, hệ sinh thái biển, từ đó mang lại nguồn lợi lâu dài hơn cho người dân địa phương.
Rạn san hô ở khu vực Hòn Tai đang phát triển rất tốt.
Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thường xuyên kiểm tra tình hình bảo vệ san hô, hệ sinh thái biển.
Kiểm tra hệ sinh thái biển tại khu vực biển Cù Lao Chàm.
Lấy mẫu rong biển về kiểm tra.
Khu vực biển trước Bãi Hương bị tác động tiêu cực nhiều do ca nô hoạt động du lịch. Do đó việc trồng lại san hô thay thế ở đây rất được chú trọng và đang có những kết quả hết sức khả quan.
Các chuyên gia cho rằng cần phải hài hòa việc phát triển du lịch để bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm thật sự có hiệu quả.