Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT): Dự kiến, từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8, Cục sẽ phối hợp với 2 tỉnh Hưng Yên và Sơn La tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn.
Cụ thể, tại Sơn La sẽ có Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn; Ngày hội nhãn Sông Mã; Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn… Tỉnh Sơn La cũng sẽ tổ chức Tuần lễ giới thiệu nhãn và nông sản an toàn và Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn tại Hà Nội. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên Sơn La sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc.
Năm nay không chỉ các tỉnh phía Nam được mùa nhãn mà 2 tỉnh trồng nhiều nhãn nhất miền Bắc là Sơn La, Hưng Yên cũng dự báo được mùa nhãn. Ảnh minh họa: I.T
Tỉnh Hưng Yên cũng sẽ tổ chức 5 sự kiện chính để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nhãn lồng, gồm: Hội nghị kết nối giao lưu tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên; Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 (30/7-5/8); Hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn và nông sản Hưng Yên; Tuần lễ nhãn lồng tại Hà Nội và phiên chợ nhãn lồng được tổ chức tại khu đô thị Ecopark.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ: Niên vụ nhãn 2018 của các tỉnh miền Bắc sẽ bắt đầu từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9. Thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả của nhãn lên đến 95%, dự báo được mùa lớn.
Hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc là Sơn La và Hưng Yên. Cụ thể, tại Sơn La, diện tích trồng nhãn là 12.257ha, trong đó 7.826ha đã cho thu hoạch. Tại Hưng Yên, diện tích trồng nhãn là 4.340ha , trong đó 4.200ha đã cho thu hoạch.
Năm nay, nhãn dự báo được mùa lớn nhất trong 5 năm gần đây. Ảnh minh họa: I.T
Những năm gần đây, hai tỉnh Sơn La, Hưng Yên rất coi trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, vừa đảm bảo chất lượng và an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, các ngành chức năng khuyến cáo người dân áp dụng thâm canh cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, phân bón công nghệ Nano bạc, sử dụng chế phẩm sinh học, sản xuất theo quy trình VietGAP.
Đến nay, Sơn La có 60 hợp tác xã trồng nhãn, trong đó có 12 hợp tác xã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 238ha, sản lượng khoảng 1.594 tấn; được cấp 6 mã vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN với diện tích 61,35ha, sản lượng khoảng 500 tấn.
Tỉnh Hưng Yên cũng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 3 vùng nhãn với diện tích 62ha; được cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ với diện tích trên 70ha.