Ngôi nhà sàn của gia đình bà Pò nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ, 4 bề bao phủ bởi những quả đồi rộng lớn, cây trái sum suê, xanh ngát một vùng. Thấy chúng tôi vào thăm, ông bà niềm nở chào rồi nhanh chóng dẫn ra thăm vườn.
Cả khu vườn 3ha chi chít các loại cây ăn quả. Nào là mận, xoài, cà phê, cam, vải, nhãn… mỗi loại một ít được trồng rải rác khắp vườn. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Hặc kể: “Mảnh đồi này là của bố mẹ tôi để lại. Năm 1995, khi ông bà giao đất lại cho vợ chồng tôi thì nơi đây chủ yếu là vườn tạp, cỏ dại mọc um tùm. Tôi bèn bàn với vợ cải tạo lại khu vườn trước đã, rồi trồng trọt sau. Đất đai có tốt, màu mỡ thì trồng cây gì cũng tốt thôi.”
Cà phê là loại cây đầu tiên được trồng trong vườn nhà ông Hặc.
Nói là làm, 2 vợ chồng ông bắt tay vào nhổ cỏ, xới đất, tưới nước để giữ độ ẩm. Đang lúc chưa biết nên trồng cây gì cho phù hợp thì có dự án của công ty giống cây trồng ở trên tỉnh về cho vay giống, phân bón, ông bà liền mua 50 gốc cà phê, 2 gốc mận trồng thử nghiệm. Thêm vào đó, mỗi lần đi đâu mà thấy có cây ăn quả nào ngon, ngọt cho năng suất cao, ít sâu bệnh ông lại xin giống đem về trồng. Làm cỏ, xới đất đến đâu, ông bà lại trồng cây đến đấy. Cứ thế vườn nhà ông thường xuyên “kết nạp thêm thành viên mới”.
Trồng mận hậu dễ chăm bón, cho thu nhập cao.
Sau khoảng 3 năm thì cây mận hậu bắt đầu cho quả. Ông ăn thử thì thấy ngọt, giòn, quả to mà hạt lại bé, vì thế ông quyết định tiếp tục nhân giống mận hậu trở thành cây chủ lực cho vườn nhà. Ông tích cực đi học hỏi kinh nghiệm chiết cành ở một số hộ trong bản, tỉm hiểu kĩ thuật chăm sóc cây mận để cây đạt năng suất cao. Theo ông Hặc việc tự chiết cành không những tiết kiệm được chi phí mua cây giống, mà còn đảm bảo chất lượng quả ngon vì đã được thử nghiệm rồi. Từ 2 cây mận ban đầu, đến nay trong vườn nhà ông có đến trăm gốc mận đang sinh trưởng tốt, cho quả nhiều.
Cũng thời đấy, cây cà phê bắt đầu cho quả. Và cũng với cách làm như cây mận, ông bà tiếp tục chiết cành cà phê để nhân giống cho vườn. Những năm gần đây, giá cà phê liên tục giảm, không có đầu ra ổn định nên ông không nhân giống nữa. “Nhiều hộ ở đây còn chặt bỏ hết cây cà phê để trồng cây khác. Nhưng tôi nghĩ trồng cây gì cũng có thời điểm của nó, biết đâu sau này nó lại đắt hàng thì sao. Giờ đây, số cây cà phê trong vườn cũng mang lại cho gia đình tôi khoảng 50 triệu 1 năm.” Ông Hặc vui vẻ nói.
Gia đình ông chỉ dùng phân lân kết hợp với phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây, nhờ thế cây không chỉ xanh tốt mà còn cho trái nhiều, mùi vị thơm ngon, được nhiều người biết đến. Hoa quả trong vườn chủ yếu được thương lái đến tận nơi thu mua, giá bán cũng cao hơn những hộ khác trong vùng.
Nhờ đa dạng các loại cây nên mùa nào ông cũng có quả để bán, mang lại thu nhập đều hàng tháng. Bà Pò cho hay “Trồng mận hậu là nhàn nhất. Cây không kén đất, dễ chăm, lại ít sâu bệnh. Quả mận hậu chín rải rác, lại giữ được lâu nên cũng không lo bị ép giá . Vụ vừa rồi mỗi kg mận có giá bán từ 12.000 – 20.000, tính ra nhà tôi thu được khoảng 70 triệu.” Bên cạnh đó, xoài Đài Loan, nhãn ghép, vải, lê nâu…. cũng cho thu nhập ổn định. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông bà cũng thu lãi gần 200 triệu đồng. Đấy là khoản thu nhập không nhỏ đối với các gia đình ở vùng núi Tây Bắc – nơi thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đời sống của dân bản còn rất nhiều khó khăn.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc đa dạng các loại cây ăn trồng, ông bà đã chủ động tìm hiểu tình hình thị trường, cũng như nghiên cứu các loại cây trồng mới cho năng suất chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương để áp dụng trồng tại vườn nhà. Vừa qua, gia đình ông còn đầu tư trồng hơn 100 gốc cam Vinh, hứa hẹn đem lại thu nhập cao trong vụ mùa sắp tới.
Cây cam giống được ông Hặc mua với giá 100.000 1 gốc. Hiện cây cam đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, sẽ là cây trồng đem lại thu nhập cao trong thời gian sắp tới.
“Làm nông nghiệp ở miền núi vất vả lắm. Muốn hết đói, hết nghèo thì phải chăm chỉ lao động, tìm hiểu, học hỏi thôi.” Bà Pò chia sẻ.