Đêm 18/7, sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, bão số 3 đã và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Ở ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Sau bão, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Ảnh: IT
Từ nay đến ngày 21/7, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, riêng ngày 19-20/7, ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa rất to.
Cảnh báo, từ nay đến ngày 20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Biên độ lũ lên trên các sông như sau: thượng lưu sông Hồng - Thái Bình từ 2-4m; sông Hoàng Long từ 1-2m; các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ 3-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1; sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức BĐ1-BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An; ngập lụt tại vùng trũng và đô thị ở các tỉnh: Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. (Cần chú ý theo dõi Thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi Bắc Bộ: cấp 1; riêng ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An: cấp 2.
Theo báo cáo, đến sáng ngày 19/7/2018, chưa có thông tin thiệt hại về tàu thuyền. Tuy nhiên, hiện nay, các khu vực thâp trũng ven biển từ Nam Định đến Hà Tĩnh vẫn đang ngập sâu (các tỉnh hiện đang thống kê).
Tính đến 17h00 ngày 18/7, có 63.645 ha lúa bị ngập úng (trong đó, Nam Định: 21.520 ha; Ninh Bình: 6.660 ha; Hòa Bình: 80 ha; Thanh Hóa: 14.440 ha; Nghệ An: 14.280 ha; Hà Tĩnh: 6.935 ha) và 3.215ha hoa màu tại Hà Tĩnh bị ngập úng.
Hiện các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng.
Các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ: các hồ chứa lớn đạt từ 30-50% dung tích thiết kế, các hồ chứa nhỏ đạt từ 40-60% dung tích thiết kế, riêng tại Thanh Hóa có 300/606 hồ, Nghệ An có 141/610 và Hà Tĩnh có 142/346 hồ có tràn tự do đã đạt 100% dung tích thiết kế.
Hiện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có 233 hồ chứa xung yếu, trong đó một số tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Yên Bái: 12 hồ, Tuyên Quang: 11 hồ, Bắc Giang: 09 hồ, Thanh Hóa: 24 hồ, Nghệ An: 21 hồ, Hà Tĩnh: 18 hồ.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả ngay sau khi bão đi qua; đặc biệt là sự cố hư hỏng đê biển 5, tỉnh Thái Bình.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa sau hoàn lưu bão, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa vụ mùa mới gieo xạ, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích lúa bị mất trắng.
Đồng thời kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các hệ thống liên hồ chứa khu vực miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình được duyệt.
Các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Riêng tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.