Dân Việt

Người lính già Ninh Thuận 30 năm âm thầm tìm hài cốt đồng đội

Công Tâm 21/07/2018 08:33 GMT+7
"Mỗi lần tìm được hài cốt của đồng đội năm xưa về với gia đình của họ, về với quê hương, thật sự cảm giác rất vui sướng không thể tả hết được", đó là chia sẻ tự đáy lòng mình của ông Nguyễn Văn Tâm, một người âm thầm tìm hài cốt cho đồng đội nhiều năm nay.

img

Ông Tâm vẫn lưu giữ bức ảnh kỷ niệm lúc tham gia trong quân ngũ. (Ảnh: V.C)

Mặc dù năm nay đã ngoài 80 tuổi, tóc bạc phơ, sức khỏe có giảm hơn so với trước, tuy nhiên, trí nhớ của ông Nguyễn Văn Tâm (thôn Thái Giao, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) vẫn còn minh mẫn. Hàng ngày, ông vẫn đọc báo, xem tin tức thời sự và đặc biệt lật xem lại các trang trong cuốn sổ mà ông đã từng ghi chép những trận đánh lớn, chỉ ra chi tiết các đồng đội mình đã hy sinh thế nào, ngã xuống ở đâu để bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc.

Dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ lợp bằng mái tôn, ông Tâm lấy ra một cuốn sổ này màu đã bạc vì sương gió. Cũng dễ hiểu vì tuổi đời của nó cũng đã gần 60 năm. Ông Tâm bắt đầu ghi chép lại những thông tin liên quan tới các đồng đội mình, những người đã chiến đấu và nằm xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bảo vệ tổ quốc từ năm 1961. Chính nhờ cuốn sổ được ghi chép tỉ mỉ và giữ gìn cẩn thận như bí kíp gia truyền, sau này ông đã cùng nó lặn lội khắp nơi tìm lại được rất nhiều hài cốt của đồng đội.

Trong cuộc đời quân ngũ, ông đã tham gia đánh Pháp, rồi đuổi Mỹ, đã từng chứng kiến nhiều trận đánh khốc liệt, tận mắt thấy nhiều đồng chí, đồng đội hy sinh trên chiến trường.

img

Cuốn sổ nhỏ bé của ông Tâm đã ghi chép những trận đánh lớn và những đồng đội đã hy sinh trong thời chiến. (Ảnh: C.V)

Ông nói, năm 1947 ông đã tham gia cách mạng, làm quân báo của huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), sau đó được vinh dự kết nạp vào Đảng và tham gia khắp cả chiến trường Ninh Thuận. Nơi đây, ông đã gặp những đồng đội từ miền Bắc vào và có người Miền Nam ra chi viện.

Trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường CK7, CK25, CK35 và tận mắt thấy nhiều đồng đội ngã xuống, ông Tâm khắc cốt ghi tâm một điều: Nếu trời cho sống sót, sau khi đất nước giải phóng nhất định ông sẽ đi tìm các hài cốt đồng đội để đưa về nghĩa trang  quê nhà an nghỉ. Mỗi lần tìm được hài cốt của đồng đội đưa về với gia đình, với quê hương, trong ông luôn dâng lên một cảm giác rất nhẹ nhõm, vui sướng không thể tả hết được, như thể đã thực hiện được lời hứa năm xưa với đồng đội. 

Sau khi trở lại quê hương, người cựu chiến binh vẫn tham gia phát triển kinh tế và tiếp tục gần 30 năm âm thầm lặng lẽ đi tìm hài cốt đồng đội. Đến nay, ông đã phối hợp tìm kiếm được 377 mộ hài cốt liệt sĩ. Trong đó, ông đã quy tập về nghĩa trang tỉnh Bình Thuận 175 mộ và số còn lại đưa về nghĩa trang Ninh Thuận.

Kể chuyện cho chúng tôi, giọng ông có những lúc chùng lại. Nước mắt rưng rưng trên gò má, ông kể: “Tình đồng đội ngày đó thắm thiết, sâu sắc lắm các anh ạ. Có những đồng đội cùng ăn, cùng ở và từng nhường cho nhau hạt muối, miếng cơm, nhường nhau từng viên thuốc kí ninh khi ốm đau. Chính những kỷ niệm sâu sắc ấy khiến tôi không thể nào quên và cũng không bao giờ nỡ lòng bỏ rơi các bạn nằm lại nơi đất lạnh không người chăm nom”.

Chuyện tìm mộ hài cốt thời ấy không hề dễ dàng. Kinh phí eo hẹp, hàng ngày ông cưỡi chiếc xe máy Honda cà tàng rong ruổi khắp núi rừng. Có nhiều ngày tìm không ra nơi đồng đội được chôn cất tạm, ông đều trăn trở mất ăn mất ngủ. Có những thời điểm, ông phải cầm cố gần 4 sào ruộng khoán của mình để lấy tiền phục vụ cho những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội.

Những rồi, với quyết tâm, cộng với sự ủng hộ hết lòng của người vợ tần tảo và sự hỗ trợ không nhỏ từ địa phương, ông đã tìm được hàng trăm mộ hài cốt liệt sĩ. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn ấp ủ tiếp tục tìm kiếm các mộ liệt sĩ.

Những đóng góp của ông đã được đền đáp xứng đáng. Nhà nước đã tặng thưởng ông Tâm Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3, Huy chương chiến thắng hạng 1, Huân chương độc lập hạng 3 cùng rất nhiều Giấy khen, bằng khen của địa phương trao tặng,…

Ông Nguyễn Ngọc Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thái cho biết, ông Tâm vẫn là thương binh hạng 4/4, chân của ông vẫn còn mảnh đạn và nhiều lần tái phát khi gặp thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, mảnh đạn kia và vết thương cũ không thể ngăn được bước chân của người lính già trên hành trình đi tìm lại đồng đội khắp nẻo đường quê hương.