Như NTNN đã đưa tin, ngày 24.1, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, cần lấy thêm ý kiến của 7 bộ về việc nên hay không nên cho nhập nội tạng trắng đông lạnh của động vật trở lại. Điều đáng nói là, trong công văn đề xuất gửi Phó Thủ tướng trước đó, Bộ NNPTNT đã không mời Bộ Y tế họp và cũng không xin ý kiến của bộ này.
Phải thận trọng
Theo Công văn 79/BNN-HTQT ngày 8.1.2013 của Bộ NNPTNT (do Thứ trưởng Vũ Văn Tám ký) gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất cho phép nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh trở lại, việc này mới được Bộ NNPTNT lấy ý kiến của 2 Bộ là Công Thương và Tài chính, rất lạ là Bộ Y tế - đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong ăn uống lại không được mời họp và có ý kiến.
Nội tạng động vật liên quan đến sức khỏe con người nhưng Bộ Y tế không được hỏi ý kiến khi Bộ NNPTNT đề xuất cho nhập khẩu trở lại. |
Cụ thể, theo nội dung Công văn 79, ngày 20.11.2012, Bộ NNPTNT đã tổ chức cuộc họp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để thống nhất ý kiến báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề nhập nội tạng. Trước đó, Bộ NNPTNT đã rất “sốt ruột” khi từ ngày 16.7.2012 đã có Tờ trình 2156 kèm theo Báo cáo 2157 về việc xin phép ý kiến Thủ tướng cho nhập khẩu nội tạng trắng trở lại. Tới ngày 30.8.2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 1345 đề nghị Bộ NNPTNT thống nhất với các bộ và báo cáo rõ về việc quản lý sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Trao đổi với NTNN, TS Trần Đáng- nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết: “Theo quy định tại các Điều 63, 64, 65 của Luật ATTP, thì Bộ NNPTNT có quyền quản lý vấn đề vệ sinh ATTP đối với các sản phẩm động, thực vật từ A đến Z và việc Bộ NNPTNT không lấy ý kiến của Bộ Y tế cũng không sai. Song về mặt chuyên môn, như việc nhập nội tạng trắng, thì nhất thiết vẫn phải có ý kiến của Bộ Y tế, vì đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe con người và việc quy định như vậy của Luật ATTP cũng là một hạn chế”.
Trả lời về quan điểm trong việc nhập nội tạng trắng, TS Đáng phản đối và cho rằng, nếu nhập về để làm cái khác thì nên cân nhắc, còn nhập về để ăn thì tuyệt đối không được. Bởi nội tạng trắng không những không có giá trị về mặt dinh dưỡng, mà còn là nguyên nhân gây nên nhiều nguy cơ về các bệnh như mỡ máu, gout… “Hơn nữa, nội tạng trắng rất dễ bị phân hủy, nên để tiêu thụ được, người ta thường dùng các hóa chất tẩy trắng, bảo quản độc hại, rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Hiện mới như thế mà vấn đề nhập khẩu nội tạng đã phức tạp rồi, nếu cho nhập về nữa thì sẽ loạn lên mất” - ông Đáng nhận định.
Các bộ cần cho ý kiến đầy đủ
Bình luận về quyết định của Chính phủ khi cần lấy thêm ý kiến của 7 bộ để có cho nhập nội tạng trắng hay không, một cựu Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) nói, đây là bước đi rất đúng đắn, thận trọng của Chính phủ. Bởi việc quản lý nội tạng trắng, chỉ một mình Bộ NNPTNT có thể khẳng định ngay là không làm được. Do đó, theo ông, các bộ cần phải có ý kiến đầy đủ, xác đáng báo cáo với Chính phủ về vấn đề này. Đặc biệt là các bộ cần nói rõ xem có thể quản lý được nội tạng nhập khẩu hay không, nếu được thì phải trình bày kế hoạch đầy đủ với Chính phủ.
Về lý do mà Bộ NNPTNT đưa ra để đề xuất nhập nội tạng trắng là do sức ép quốc tế, cụ thể là theo cam kết WTO, vị cựu cục trưởng Cục Thú y nói: “Hồi tôi còn làm, cũng có những sức ép tương tự, nhưng tôi đều từ chối cho nhập nội tạng trắng, vì mình cho nhập về rồi nhưng trong nước không quản lý được, nên chỉ cho phép nhập nội tạng đỏ (tim, gan…).
Có thể bây giờ sức ép lớn hơn hồi tôi làm, nhưng theo tôi mình vẫn có lý do để từ chối”. Cũng theo ông, việc Bộ NNPTNT cứ nói là sẽ quản lý được là chủ quan, bởi có quản được hay không, cứ cho nhập về sẽ rõ.
Hơn nữa, khác với thịt hay nội tạng đỏ, chúng ta có thể đóng dấu được, nội tạng trắng rất khó kiểm soát, không biết quản lý thế nào.
“Theo tôi, nếu Bộ NNPTNT nói quản lý được, thì cần phải trình bày với Chính phủ xem sẽ nhập như thế nào, ai được bán nội tạng nhập khẩu và bán ở đâu. Tôi xin nói lại, việc này phải cân nhắc hết sức kỹ càng” - ông này nói thêm.
Ngọc Lê