Dân Việt

Sức lan tỏa của võ cổ truyền Việt Nam tại Ukraina

05/03/2013 16:50 GMT+7
Hơn ba mươi năm trước tại đất nước Ukraina xinh đẹp và thanh bình hầu như mọi người chưa biết tới võ thuật cổ truyền của Việt Nam, một số rất ít mới chỉ biết đến môn võ Karate.
img
Đại Sứ VN tại Ukraina Hồ Đắc Minh Nguyệt chụp ảnh lưu niệm cùng các võ sư

và võ sinh trong liên hoan võ cổ truyền VN lần thứ nhất tại Ukraina

Võ thuật cổ truyền của Việt Nam ban đầu được bạn bè Ukraina biết tới thông qua những lưu học sinh Việt Nam được cử đi học tại các trường Đại học của Ukraina. Các lưu học sinh Việt Nam tập luyện võ thuật đơn giản là để tăng cường sức khỏe nhằm thích nghi với môi trường mới. Năm tháng qua đi, sức sống mãnh liệt của võ cổ truyền Việt Nam đã được đông đảo bạn bè Ukraina biết thông qua Liên hoan võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Ukraina lần thứ nhất được tổ chức ngày 23.12.2012 tại thủ đô Kiev.

Ngoài ý nghĩa kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Ukraina, củng cố, phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, động lực thúc đẩy quá trình hội nhập văn hóa của cộng đồng người Việt trên đất nước bạn, Liên hoan võ cổ truyền Việt Nam còn mang lại niềm tự hào dân tộc. Đây là lần đầu tiên môn võ cổ truyền của Việt Nam được công nhận, vinh danh và truyền bá ra quảng đại quần chúng Ukraina thông qua các phương tiện truyền thông là báo chí và truyền hình của Ukraina.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam có được sự đón nhận của bè bạn Ukraina như hiện nay nhờ sự ủng hộ to lớn của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina và những thế hệ lưu học sinh trong hơn 30 năm qua đã có công khơi nguồn và chăm chút cho dòng chảy võ thuật cổ truyền Việt Nam ngày càng phát triển tại Ukraina. Trong các môn phái võ cổ truyền tại đây, nổi lên là Liên đoàn Quốc tế Việt Võ Đạo – Ukraina - Đại bàng phái do võ sư Leon Lê Văn Thành làm Chủ tịch Liên đoàn. Lịch sử của Việt Võ Đạo với trường phái Đại bàng tại Ukraina luôn gắn liền với tên tuổi của võ sư Leon Lê Văn Thành.

Nhiều năm trước đây, các trường phái võ chưa hình thành do luật định dưới thời Liên Xô cũ không cho phép mà chỉ đến ngày 3.9.1997, tại thủ đô Kiev – Ukraina, Liên đoàn Võ thuật Quốc tế Việt Võ Đạo mới được chính thức cấp phép thành lập, đứng đầu là võ sư Leon Lê Văn Thành.

img
Võ sư Leon Lê Văn Thành (giữa) và hai môn sinh xuất sắc của ông

Võ sư Leon Lê Văn Thành sinh năm 1951 tại Sài Gòn. Từ khi còn rất nhỏ ông đã được chứng kiến cha mình, người dành cả cuộc đời mình và cả hai người con lớn cho trường phái Đại bà̀ng. Đại lão võ sư Lê Xuân Tùng sinh năm 1896 tại Bình Định – từng là thày dạy của hàng chục nhánh võ của Việt Nam như: Xạ Long Cương, Kim Long, Vịnh Xuân phái... đồng thời ông cũng thông thạo năm nhánh võ của Thiếu Lâm Tự – Hổ – Báo – Rồng – Rắn - Hạc và nhiều loại võ của các dòng võ khác tại Đông Nam Á. Tên tuổi của ông không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng khắp bán đảo Đông Dương cũng như cả khu vực Đông Nam Á.

Trường phái Đại bàng theo truyền thuyết do chính võ sư Lê Xuân Tùng kể lại thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ khi đang trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm đã mơ thấy một con đại bàng rất lớn hiện ra bày cho cách đánh. Quang Trung liền kết hợp với trường phái, cách đánh của môn võ Bình Định mà ông theo học từ bé thành trường phái mang tên Đại bàng, lệnh cho quân sỹ luyện tập và đã chiến thắng được giặc ngoại xâm.

Lần đầu tiên khi được nhìn thấy cha mình và các võ sinh trong môn phái luyện tập, ông Lê Văn Thành thấy thật kỳ diệu, các thế nhảy cao, các đòn đánh hấp dẫn, cùng những tiếng thét sắc lạnh. Khi mới tròn 5 tuổi ông Lê Văn Thành đã bắt đầu tập luyện môn phái của cha mình.

16 tuổi ông đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh giải phóng của Việt Nam. Sau hai năm quân ngũ ông không phải tham gia chiến đấu ở các vùng chiến sự và đợi nhiệm vụ mới. Lúc đó, mẹ ông đã có nói với ông: “Cha con, chị hai và anh trai đều ở ngoài mặt trận. Chiến tranh còn kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, con cần phải tiếp nhận, hấp thụ và thừa kế võ thuật của môn phái để truyền lại cho hậu thế. Để thực hiện nó con cần phải học hỏi thật nhiều và với thời gian lâu hơn nữa”. Sau đó ông được sang Liên Xô học tập từ năm 1971 tới năm 1977 tại trường Đại học Tổng hợp Kiev mang tên Sepchenko, ông tốt nghiệp với bằng cử nhân kinh tế quốc tế. Sau một thời gian làm việc ở trong nước ông quay lại Kiev để làm nghiên cứu sinh.

Võ sinh đầu tiên của ông là Kleman Jadoma, một sinh viên cùng trường có một chút am hiểu về võ thuật Á Đông mà ông tình cờ nhìn thấy khi anh ta đang tự tập luyện một mình dưới tầng hầm. Ông đã làm quen để cùng nhau trao đổi sự hiểu biết về võ học cũng như đã chỉ dẫn cho Kleman một số động tác kỹ thuật và cùng tập với nhau.

Hiện nay số lượng võ sinh đang theo học tại Liên đoàn Võ thuật Quốc tế Việt Võ Đạo có hơn một nghìn người, trong đó có hàng chục người đã trở thành võ sư đẳng cấp và giữ những vị trí cao trong các liên đoàn võ thuật của Ukraina như: Anatolia Popovic, trước kia là vận đông viên thể thao tài năng, hiện là Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền toàn Ukraina; Laroxlap Antonyuk, võ sư tam đẳng, cũng là giảng viên của Liên đoàn Quốc tế Việt Võ Đạo, người thường xuyên có mặt cùng lão võ sư Leon Lê Văn Thành trong các cuộc thi Quốc tế về võ các cấp độ của Liên đoàn Quốc tế Việt Võ Đạo... Trong các Festival của trường phái Đại bàng được tổ chức hàng năm tại thành phố Kiev luôn có mặt đông đảo các môn sinh của mình.

Là một người luôn bận bịu với công việc nhưng ông Leon Lê Văn Thành luôn sẵn sàng tham gia ủng hộ các sinh hoạt của cộng đồng. Đó là những bài biểu diễn võ thuật đặc sắc của môn phái Đại bàng trong dịp đón Tết nguyên đán của cộng đồng người Việt tại Kiev. Ngoài ra ông luôn khuyến khích các môn sinh của mình uống nước nhớ nguồn bằng những chuyến về Việt Nam thăm vùng đất tổ Bình Định, thăm viếng tượng đài vua Quang Trung Nguyễn Huệ....

Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraina thật tự hào về võ sư Leon Lê Văn Thành khi nghe những lời giới thiệu và vinh danh ông trong buổi liên hoan võ thuật cổ truyền lần thứ nhất tại Ukraina: “Võ cổ truyền Việt Nam được truyền bá vào Ukraina là nhờ võ sư Leon Lê Văn Thành. Hiện nay ông đã 61 tuổi và đã đạt trình độ thập đẳng của môn phái Đại bàng Việt Võ Đạo. Trong suốt thời gian qua ông đã từng tham gia thi đấu và đoạt được một số danh hiệu vô địch châu Âu, châu Á, về Việt Võ Đạo. Ngoài ra ông còn là Chủ tịch danh dự của các liên đoàn và các hiệp hội võ thuật của Pháp, Đức, Israel và Mỹ”.

Theo Quê hương