Thực trạng này xảy ra ngay sau khi hoàn thành dự án kiên cố hóa lại kênh chính công trình thủy lợi Đăk Mâm.
Thủy lợi... hại nông dân
Kênh chính của công trình thủy lợi Đăk Mâm có tổng chiều dài 2km, do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Đăk Nông (Chi nhánh huyện Krông Nô) quản lý. Tuyến kênh này có năng lực tưới cho hơn 200ha lúa nước 2 vụ và 45ha cà phê của xã Nam Đà.
Mặc dù toàn tuyến đã được kiên cố hóa trong giai đoạn 2004 - 2006, nhưng 950m đoạn giữa bị xuống cấp nên UBND huyện Krông Nô có tờ trình gửi UBND tỉnh Đăk Nông xin lập dự án xây dựng lại với vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30.11.2012, khi công trình được đưa vào sử dụng thì xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, trong đó một số diện tích phải bỏ hoang vì không có nước.
Đoạn kênh làm lại chỉ bằng nửa kênh cũ nên lượng nước bị thiếu hụt. |
Ông Võ Văn Sỹ ở thôn Nam Hà bức xúc: “Gia đình tôi có 5,5 sào lúa nước, toàn bộ không có nước sản xuất, trong khi thời vụ đông xuân đã trôi qua hơn 2 tháng rồi. Tôi làm ruộng ở đây gần 20 năm, đây là lần đầu tiên phải bỏ ruộng vì thiếu nước”.
Không chỉ ông Sỹ mà nhiều hộ khác ở thôn Nam Hà cũng đành “treo” ruộng, như ông Phan Văn Châu có 2 sào, ông Nguyễn Hóa 1,5 sào, bà Nguyễn Thị Huy Phương 2 sào... Những hộ này không có cây công nghiệp, chỉ biết trông vào lúa nước nên không còn nguồn thu nhập nào khác, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tùy tiện sửa chữa
Trước tình trạng trên, UBND xã Nam Đà đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đề nghị UBND huyện có biện pháp khắc phục. Ông Phạm Văn Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Kênh cũ được thiết kế hình thang, đáy rộng 80cm, miệng rộng 2m, cao 1m, nhưng kênh mới lại thiết kế hình chữ U, hẹp hơn kênh cũ nên lượng nước bị thiếu hụt so với trước là dễ hiểu”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đoạn giữa của tuyến kênh cao hơn đoạn đầu, vì vậy đoạn giữa sắp tràn mà đoạn cuối vẫn thiếu nước. Sau khi có phản ánh từ người dân và chính quyền xã Nam Đà, chủ đầu tư là Phòng NNPTNT huyện Krông Nô đã cho xây tường kênh cao thêm gần 30cm trên một đoạn dài 600m để chống tràn.
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Quốc - Trưởng phòng NNPTNT huyện cũng thừa nhận biện pháp khắc phục trên được tiến hành khi chưa có thiết kế bổ sung được cấp thẩm quyền phê duyệt, chưa có dự toán điều chỉnh, chưa xác định đơn vị nào chịu kinh phí phát sinh. Như vậy, chủ đầu tư chưa tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng. Mặt khác, việc xây tường kênh đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào vận hành nên chưa thể khẳng định có khắc phục tình trạng thiếu nước hay không.
Thực trạng trên cho thấy, việc xây dựng lại kênh chính thủy lợi Đăk Mâm đang có biểu hiện vừa lãng phí, vừa gây thiệt hại về sản xuất cho người dân xã Nam Đà. Vì vậy các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.
Thanh Trúc