Dân Việt

Chặn "vết dầu loang" gian lận thi cử từ Hà Giang

Vương Hà 22/07/2018 12:30 GMT+7
Vụ nâng điểm thi THPT tại Hà Giang khiến dư luận "nổi sóng" suốt tuần qua, và đằng sau đó là câu hỏi lớn được đặt ra: Vì sao những tiêu cực trong thi cử vẫn cứ tiếp diễn, với xu hướng ngày càng trầm trọng hơn?

img

Vũ Trọng Lương - đối tượng sửa điểm thi ở Hà Giang đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Với dư luận, vụ án nâng điểm thi THPT ở Hà Giang là cực kỳ nghiêm trọng nếu xét về số bài, số điểm được nâng và thủ đoạn nâng điểm. Do đó, Công an tỉnh Hà Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Vũ Trọng Lương - đối tượng đã trực tiếp sửa điểm, không khiến dư luận bất ngờ.

Không chỉ riêng Hà Giang, nghi vấn nâng điểm, gian lận lan dần sang các địa phương khác. Sơn La cũng đã phát hiện tiêu cực. Nghi vấn Lạng Sơn rồi Hòa Bình, Điện Biên, Bạc Liêu, Kon Tum..., đủ cả ba miền, như vết dầu loang. Bộ GDĐT phải lập đoàn xuống tận nơi kiểm tra, lãnh đạo nhiều nơi bị đặt nghi vấn phải đăng đàn, lên tiếng "không có tiêu cực", "không có bất thường". Cuối cùng thì tất cả các tỉnh, thành được yêu cầu rà soát điểm thi.

Nhiều câu hỏi, bàn luận về giải pháp được đưa ra, đòi hỏi thay đổi, cải cách, để các trường đại học tự chủ thi tuyển... Cách đây hơn chục năm, nhằm giảm tải dần thi cử, Bộ GDĐT đã đưa ra giải pháp, những học sinh tốt nghiệp loại giỏi không phải thi đại học. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng. Vậy mà, chỉ sau 3 năm thực hiện, giải pháp này đã phải hủy bỏ. Lý do lãng xẹt: Học sinh tốt nghiệp loại giỏi tăng đột biến!

Dù chưa có cơ quan chức năng nào tổng kết, nhưng công luận thì bàn tán, không ít điểm số tốt nghiệp loại giỏi những năm trước đây rơi vào những trường hợp có "quan hệ" hoặc "tiền tệ". Cũng giống như những nghi ngờ trong vụ việc ở Hà Giang bây giờ.

Phải chăng, thay vì xử lý thích đáng những người tìm cách nâng điểm và những vị phụ huynh nhờ vả bằng "quan hệ" và "tiền tệ", ngành giáo dục lại đành phải bỏ giải pháp khá hữu hiệu để giảm tải nêu trên cho kỳ thi đại học.

Có lẽ chúng ta cũng đừng vội quy trách nhiệm tất cả cho ngành giáo dục, bởi có nhiều việc ngoài tầm kiểm soát của ngành này.

img

Trước đây, ông Nguyễn Thiện Nhân khi còn là Bộ trưởng Bộ GDĐT từng đưa ra phong trào hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và  “Nói không với việc chạy theo thành tích” cho năm học  2006-2007. Và ngay niên học đó, thực lực của học sinh đã bộc lộ rõ: Kết quả tốt nghiệp THPT giảm gần 30% so với năm học trước, thậm chí có trường tỷ lệ đỗ là 0%.

Nhưng rồi, phong trào “hai không” này sớm nhạt nhòa trong thực thi, tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm sau nâng cao thần kỳ. Và lâu nay, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình luôn trên 90%.

Nhìn lại những con số nhảy múa ấy, tôi và chắc hẳn nhiều người khác, muốn đưa ra một câu hỏi: Thực chất trình độ học sinh của chúng ta hiện nay có đạt được như vậy không?

Thực chất, những tiêu cực “động trời” trong thi cử không còn là chuyện lạ. Nhớ lại, những tháng đầu năm 2007, dư luận rúng động với một loạt vụ việc tiêu cực nâng điểm. Trong đó nổi cộm là vụ án nâng điểm, nhận hối lộ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006 của tỉnh Bạc Liêu với khoảng 1.700 thí sinh được "nâng đỡ", 6 cán bộ cốt cán như Phó giám đốc Sở GDĐT, trưởng phòng GDĐT... và 38 cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố.

Chỉ ví dụ trên đã cho thấy, việc nâng điểm “không trong sáng” lần này cũng chỉ là “nối gót” những tiêu cực từng có.

img

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết: Đã có dấu hiệu can thiệp làm thay đổi kết quả thi THPT tại Sơn La

Lâu nay, người Việt vốn đặt nặng việc thi cử, coi trọng bằng cấp. Các trường học, từ cấp phổ thông đến đại học, đều tuyển sinh bằng điểm thi. Các cơ quan tuyển dụng qua bằng cấp. Thi cử dường như được coi là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Trong khi, thi cử thực chất chỉ là cái ngọn, còn  cốt lõi của giáo dục là dạy và học.

Đến mức, đổi mới giáo dục cũng chọn “thi cử là khâu đột phá”. Những cải cách, đổi mới thi cử diễn ra liên tục, năm sau sửa chữa, bổ sung những khuyết điểm, sai sót của năm trước. Nhưng, đó là "đổi mới thi cử theo kiểu đối phó, cứ xã hội phản đối là nay bít chỗ này, mai bít chỗ kia" - như GS. Đào Trọng Thi từng nhận xét. Cả thầy dạy và trò học cũng để đối phó, để đi thi, để đạt điểm số cao. Các lò luyện thi - có lẽ chỉ có Việt Nam mới có, cùng các trường THPT ra sức quảng cáo "đảm bảo đỗ đại học 100%", chẳng thấy nơi nào PR "học để phát triển năng lực, để thành người"...

Nhưng có lẽ, những học sinh, đúng hơn là các phụ huynh, đã dựa vào gian lận, tiêu cực nhờ "quan hệ", "tiền tệ" để mua điểm, vào được trường đại học, thì có lẽ cũng chẳng mấy quan tâm đến kiến thức, năng lực, kỹ năng... Bởi hết 4 năm đại học, vẫn với "quan hệ", "tiền tệ" ấy, con họ rất có thể lại có những tấm bằng đỏ, và dễ dàng có được một vị trí việc làm nhiều người mơ ước, khi đã có 2 trong số 4 "bảo bối" đảm bảo sự tuyển dụng và thăng tiến ở không ít nơi hiện nay, là "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, và bốn trí tuệ".

Do đó, những tiêu cực trong thi cử, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành giáo dục, nhưng ngành này có gồng mình làm cũng không đơn giản. Và chừng nào vẫn còn đặt nặng chuyện thi cử - điểm số, loay hoay ngăn ngừa tiêu cực chỉ bằng cách thay đổi, cải cách thi cử, không nghĩ đến cái cốt lõi là cải cách toàn diện, căn bản và chuyển mạnh từ việc dạy và học chỉ để vượt qua các kỳ thi sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, thì có lẽ vết dầu loang tiêu cực từ Hà Giang sẽ còn lan rộng đến nhiều nơi khác và lan dài đến nhiều năm sau nữa.