Dân Việt

Lợi nhuận tăng vọt và dấu hỏi về trích lập dự phòng của VIB

Nguyễn Ngân 23/07/2018 07:56 GMT+7
Mặc dù kinh doanh ngoại hối thua lỗ, đầu tư chứng khoán sụt giảm nhưng lợi nhuận của VIB vẫn tăng 200,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn là hoạt động tín dụng. Ngoài ra, trích lập dự phòng tín dụng của VIB cũng là một điểm đáng lưu ý.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 với một vài điểm đáng lưu ý trong đó có nợ xấu, trích lập dự phòng và lợi nhuận.

Báo cáo cho thấy lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 200,5% so với cùng kỳ năm ngoái (383 tỷ đồng). Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng của ngân hàng này, có thể thấy nguồn thu nhập chính đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng này là hoạt động tín dụng, mà cụ thể là cho vay cá nhân tiêu dùng.

img

Cụ thể, 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận “Thu nhập lãi thuần” của VIB đạt 2.256 tỷ đồng, tăng 68,5% với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích dư nợ cho vay theo ngành cho thấy, khoản mục cho vay “Cá nhân và các ngành nghề khác” chiếm tỷ lệ 70,6%, đạt 61.686 tỷ đồng trên tổng dư nợ toàn ngân hàng là 87.282 tỷ đồng. Cuối năm ngoái, tỷ lệ này là 63,8%. Theo quy định, ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ, các ngân hàng và tổ chức, cá nhân được quyền thoả thuận lãi suất cho vay. Đây là lý do khiến thu nhập lãi thuần tăng mạnh do chênh lệch lãi suất huy động và cho vay cao.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm ghi nhận khoản lỗ hơn 5,2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối thua lỗ, còn đầu tư chứng khoán sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 49,5 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 315 tỷ đồng, tuy nhiên, đây là con số khiêm tốn so với lợi nhuận tăng vọt của ngân hàng này.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận các khoản phải thu của VIB tăng so với đầu năm, lên 2.063 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý, khoản phải thu của VIB chủ yếu đến từ đầu tư chứng khoán và hoạt động tín dụng lần lượt là 657,3 tỷ và 486,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ chính trong các khoản phải thu từ lãi của ngân hàng này.  

6 tháng đầu năm, VIB tăng trưởng tín dụng đạt 9,28%, tỷ lệ nợ xấu là 2,32%, giảm nhẹ so với đầu năm là 2,48%. Xét về con số tuyệt đối thì tổng nợ xấu có tăng nhẹ lên 2.033 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là nợ nhóm 5 là 1.822 tỷ đồng, chiếm khoảng 97,6% nợ xấu của ngân hàng này.

Tuy nhiên, trong báo cáo của VIB ghi nhận tổng trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 1.034 tỷ đồng. Mặc dù có tăng nhẹ so với đầu năm, nhưng sẽ là dấu hỏi lớn nếu so với con số 1.822 tỷ đồng nợ xấu thuộc nợ nhóm 5.

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và phân loại nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) có hiệu lực từ ngày 12.4.2015. Theo đó, nợ nhóm 5 là khoản nợ phải trích lập dự phòng 100% đối với khoản vay.

Ngoài ra, VIB đang giữ 1.463 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Nếu tính cả trái phiếu VAMC, nợ xấu của VIB khoảng 4%. Theo quy định, nợ xấu bán cho VAMC là khoản nợ xấu ngoại bảng, tuy nhiên ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro theo hướng dẫn của Thông tư 14/2015/TT-NHNN.

Báo cáo tài chính 6 tháng của VIB cũng ghi nhận trái phiếu Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam phát hành trị giá 42,3 tỷ đồng. Đây là trái phiếu chuyển đổi cho các khoảng cho vay Tập đoàn công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh, có kỳ hạn 10 năm, lãi suất thời điểm 30.6.2018 là 8,9%.

6 tháng đầu năm VIB chi cho nhân viên là 798 tỷ đồng và thu nhập bình quân của nhân viên là 22,69 triệu đồng/tháng.