Bước vào niên vụ sản xuất 2017-2018, ngành mía đường cả nước lao đao vì giá đường ngoài thị trường xuống thấp, trong khi giá cả nguyên liệu cho sản xuất và nhân công lại gia tăng. Riêng tại Sơn La, người dân trồng mía ở đây vẫn rất yên tâm vì ngành mía đường địa phương đã có những sự hỗ trợ hiệu quả.
Giá mua ổn định cả vụ
Những ngày này, gần 9.000 hộ nông dân trong vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đang cảm thấy rất an tâm khi kế hoạch thu hoạch, vận chuyển mía được triển khai cụ thể đến từng hộ; giá cả thu mua ổn định cho cả vụ chứ không bấp bênh, thả nổi...
Ông Trần Ngọc Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Hàng năm, chúng tôi xây dựng khung giá thu mua mía cây và chính sách hỗ trợ các hộ dân trồng mía trong vùng nguyên liệu. Những chính sách ấy được công khai đến từng người dân trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như những buổi họp trực tiếp tại từng địa bàn nguyên liệu.
Vì thế, ngay từ đầu vụ trồng mía, người dân đã có thể biết được khả năng thu hoạch trong năm của mình và quyết định có phát triển thêm diện tích mía hay không? Với chúng tôi, nông dân trồng mía luôn là bạn đồng hành, vì thế công ty luôn cố gắng đưa đến với nông dân những thông tin nhanh nhất, đầy đủ nhất về cây mía cũng như tình hình mía đường trong và ngoài nước…
Nông dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) trồng mía trong vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sơn La. Ảnh: X.T
"Đặc biệt nhất là khi cả nước đang lao đao với cây mía đường thì Công ty cổ phần Mía đường Sơn La vẫn duy trì mức giá thu mua từ đầu vụ là 850 đồng/kg mía tươi, không hề xuống giá, không hề o ép dân. Việc thu mua diễn ra đúng kế hoạch và tiến độ nên người trồng mía không bị ảnh hưởng tới vụ mía mới”. Nông dân Lò Thị Thái |
Không chỉ công khai giá cả thu mua mía nguyên liệu trước cả năm để giúp người dân định hướng phát triển thuận lợi, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La còn có nhiều chính sách hỗ trợ người dân sản xuất với cây mía: Cung ứng giống mía, phân bón theo phương thức trả chậm; hỗ trợ nông dân làm đất trồng mía, lựa chọn những giống mía phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, kháng sâu bệnh tốt, đạt năng suất cao để đưa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, công ty cũng luôn có đội ngũ cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn hướng dẫn người trồng mía áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào quá trình làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Mỗi năm công ty dành ra một khoản lên tới 30 tỷ đồng cho các hộ dân có ký cam kết trồng mía nguyên liệu vay để đầu tư phục vụ sản xuất, sửa chữa nhà ở, hoặc gia đình có việc lớn như: Con cái đi học, cần vốn mở rộng sản xuất…
Làng bản đổi thay nhờ mía
Đến với vùng nguyên liệu mía ở các xã như Hát Lót, Cò Nòi (Mai Sơn); Chiềng Đông, Yên Sơn (Yên Châu); Chiềng Ngần (TP.Sơn La)… vào bất kể mùa nào, người ta cũng nhận thấy đường giao thông trong vùng nguyên liệu đi lại rất thuận lợi. Tuy hầu hết các đường vào vùng nguyên liệu mới được đầu tư chất lượng ở mức tương đối, nhưng đảm bảo đủ rộng để các xe ô tô tải chở phân bón, chở mía, cây giống… có thể tránh nhau khi xuôi – ngược.
Ông Lò Văn Hào - nông dân trồng mía ở bản Nậm Te, xã Cò Nòi (Mai Sơn) chia sẻ: Trước kia, chúng tôi muốn đi nương chỉ có cách đi ủng vào rồi lội bộ, leo đồi. Mọi hoạt động từ mang hạt giống đi tra tới chở phân bón, thu hoạch nông sản hầu hết đều bằng sức người. Từ ngày thành vùng nguyên liệu mía đường, công ty cho làm đường, chia ô đất sản xuất nên sức dân đỡ hơn nhiều mà năng suất mía đi lên.
"Nhà tôi có 4 người tham gia làm mía, đi xe máy tới tận ruộng, chiều về mỗi người chở theo 1 bó củi hoặc lá mía tươi để nuôi trâu, bò, dê… Không có nghề trồng mía thì nông dân chúng tôi còn khổ lắm!" - ông Hào nói.
Bà Lò Thị Thái ở cùng bản với ông Hào thì kể: Ngày trước hơn 1ha này của nhà tôi chỉ trồng ngô, mỗi năm thu được hơn 10 tấn ngô hạt nhưng chi phí cho lao động mất hơn một nửa. Từ ngày tham gia trồng mía, chi phí lao động giảm tới 10 lần mà thu nhập lại cao hơn là nhờ có đường đi thuận lợi, phía công ty lại hỗ trợ chúng tôi những việc vốn hao tốn nhiều sức lực như chở cây giống, phân bón, thu hoạch mía...
“Đặc biệt là khi cả nước đang lao đao với cây mía đường thì Công ty cổ phần Mía đường Sơn La vẫn duy trì mức giá thu mua từ đầu vụ là 850 đồng/kg mía tươi, không hề xuống giá, không hề o ép dân. Việc thu mua diễn ra đúng kế hoạch và tiến độ nên người trồng mía không bị ảnh hưởng tới vụ mía mới. Nhờ thế nên nông dân chúng tôi cũng thêm nhiều khoản tích trữ để cải thiện cuộc sống của mình. Cả vùng mía này, không ai còn nhà tạm, không ai còn để con cái mình bỏ học nữa đâu” – bà Thái vui vẻ cho hay.