Kỳ vọng từ chính sách
Việc thực hiện tái canh cây cà phê nhằm “trẻ hóa” vườn cây là yêu cầu cấp bách nhằm phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ-TU ngày 5.5.2008 của Tỉnh uỷ Đăk lăk về “Phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới”; Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 17.11.2008 của UBND tỉnh về “Phát triển cà phê bền vững đến 2015 và định hướng đến 2020” và biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Đăk Lăk với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ký ngày 12.04.2013, về việc “Tài trợ vốn đầu tư tái canh diện tích già cỗi ”.
Việc nhổ bỏ diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, để thực hiện tái canh sẽ góp phần ổn định sản lượng cà phê, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mức sống của một bộ phận không nhỏ dân cư trên địa bàn. Với những mục tiêu quan trọng đó, tháng 6.2013, UBND tỉnh Đăk Lăk và Agribank đã phối hợp tổ chức “Hội nghị về giải pháp tái canh cây Cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk”.
Cán bộ Agribank trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra vườn cây tái canh cà phê sắp cho thu hoạch vụ đầu tiên. Ảnh: Quốc Lương
Tại hội nghị này đã có 10 biên bản ghi nhớ được ký với 163,55 tỷ đồng vốn đầu tư tái canh cho 955,7ha. Đây là 10 dự án tái canh mở đầu cho một chương trình đầu tư lớn của Agribank đối với cây cà phê – cây xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ngày 6.1.2014, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2013-2020. Theo đó, từ năm 2013 – 2020 tỉnh có kế hoạch tái canh 27.775ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém.
Cụ thể chia ra các năm từ năm 2014 - 2020 (bình quân mỗi năm khoảng 4.000ha có nhu cầu tái canh). Để thực hiện tái canh cho diện tích cà phê nêu trên cần một lượng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của Agribank (ước khoảng 3.000 tỷ đồng).
Tháng 7.2014, Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT đã chủ trì hội nghị bàn về chính sách hỗ trợ tái canh cây cà phê. Hội nghị đã bàn về dự thảo trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tái canh cà phê. Ngay sau hội nghị, lãnh đạo Agribank đã triển khai thực hiện cho vay tái canh cây cà phê với tinh thần “vốn tái canh đã sẵn sàng”.
Còn nhiều vướng mắc
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Đến nay mới có 1.827ha được tái canh, trong đó có 1.800ha trồng mới, 27ha lai ghép cải tạo. Điều đáng nói là việc giải ngân cho vay chương trình này đạt khá thấp so với nhu cầu và mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 4.2018, dư nợ cho vay tái canh cà phê Agribank Đăk Lăk chỉ đạt trên 117,6 tỷ đồng, với 221 khách hàng (196 khách hàng cá nhân, 25 khách hàng doanh nghiệp).
Đăk Lăk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 202.000 ha, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch hơn 191.000 ha, sản lượng niên vụ 2015 - 2016 đạt 450.000 tấn. Giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 350.000 lao động trực tiếp và khoảng 120.000 lao động gián tiếp. |
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, kết quả đạt được chưa cao, tiến độ triển khai chậm so với lộ trình. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tập trung chủ yếu là do các khâu quy hoạch, vốn, giống, lãi suất và sự vào cuộc còn dè dặt của hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong đó, khâu yếu nhất là vấn đề vốn, lãi suất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính của hộ sản xuất là có hạn, trong khi diện tích cà phê chủ yếu nằm trong các hộ sản xuất. Chi phí cho tái canh là rất lớn (từ 100 đến 150 triệu đồng/ha), phần tín dụng ngân hàng tham gia tối đa 80%, phần còn lại là vốn tự có của hộ sản xuất (từ 20 đến 30 triệu đồng/ha là chi phí hộ sản xuất phải bỏ ra)…
Mặt khác, lãi suất cho vay đầu tư tái canh cây cà phê còn cao (hiện đang áp dụng 7%/năm). Hiện tại, Agribank đang tự cân đối nguồn vốn để cho vay, chưa có chính sách hỗ trợ từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, cũng như chính sách cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách.
Bên cạnh đó, tái canh cà phê ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân hàng, còn là tổng thể các giải pháp, như: Cây giống, kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch và cả sự quyết tâm của nhiều ngành, nhiều cấp. Trong đó hộ sản xuất, doanh nghiệp là động lực chính, quyết định sự thành công của chương trình.