Dân Việt

Giải pháp đẩy mạnh tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên

Trung Kiên - Quốc Lương 26/07/2018 15:20 GMT+7
Để thực hiện Chương trình tái canh trên cây cà phê hiệu quả, Ngân sách Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác quy hoạch, kế hoạch; xây dựng vườn giống; cây giống; hoàn thiện quy trình kỹ thuật; đào tạo cán bộ quản lý…

Để thực hiện Chương trình tái canh trên cây cà phê hiệu quả, Ngân sách Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác quy hoạch, kế hoạch; xây dựng vườn giống; cây giống; hoàn thiện quy trình kỹ thuật; đào tạo cán bộ quản lý… Kế đến là về chính sách tín dụng có cơ chế về lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 1 đến 2%/năm.

img

Đại diện Agribank và tỉnh Đăk Lăk tổ chức hội nghị tìm giải pháp để tài trợ vốn đầu tư cho Chương trình tái canh cây cà phê ở Đăk Lăk. Ảnh: Quốc Lương

Cụ thể, Ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện chính sách cấp bù lãi suất hoặc tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại. Ngoài ra còn có các nguồn hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn vay lãi suất thấp của WB; ngân sách địa phương; từ các chương trình dự án của T.Ư và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác…

Bên cạnh đó, thực hiện giao dịch một cửa, thuận tiện trong việc xác nhận đủ điều kiện tái canh, nằm trong quy hoạch trồng cà phê được tỉnh phê duyệt. Tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật do Bộ NNPTNT ban hành, Nhà nước xem xét hỗ trợ phân bón, giống cây cà phê để thực hiện chương trình tái canh, cải tạo giống. Ngoài ra, cho phép Agribank được cho vay bù đắp tài chính đối với diện tích cà phê các doanh nghiệp, hộ dân đã thực hiện trồng tái canh các năm trước đây.

Trong quá trình triển khai tái canh cà phê, chính quyền địa phương cần phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu giống cây trồng... để áp dụng các biện pháp KHKT nhằm rút ngắn được thời gian luân canh và có thêm thu nhập trong quá trình tái canh.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan tham mưu, xây dựng vùng quy hoạch vùng cà phê phù hợp; đồng thời định hướng xây dựng các nhà máy chế biến thành phẩm nhằm gia tăng giá trị thương mại, lợi nhuận và tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.

Ngoài ra, UBND các huyện chỉ đạo các ban ngành trực thuộc cấp sớm hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng quyền sử dụng đất cho các hộ dân đảm bảo đủ điều kiện trong vùng quy hoạch tái canh cà phê; bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Hỗ trợ xây dựng các vườn ươm giống cố định tại các địa phương nhằm chủ động cung cấp giống...

Với sự nỗ lực của Ngân hàng NNPTNT, kết hợp với sự vào cuộc tích cực của hộ, doanh nghiệp trồng cà phê và chính quyền địa phương, chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk chắc chắn sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong  thời gian tới, nhất là ở khu vực hộ gia đình, cá nhân – nơi chiếm gần 70% diện tích cà phê toàn tỉnh.