Dân Việt

Vụ Con Cưng bán hàng giả nhãn mác: Khách hàng sẽ kiện ra tòa!

Khải Huyền 24/07/2018 09:46 GMT+7
Ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, sẽ kiện ra tòa đối với vụ việc Con Cưng bán hàng giả nhãn mác, gây ảnh hưởng đến tâm lý, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Hiện ông Vĩnh đã gởi hồ sơ đến Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) để phản ánh vụ việc, đồng thời, yêu cầu làm rõ vấn đề. Ông Vĩnh cho rằng, không thể chấp nhận một doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và hệ thống siêu thị rộng khắp như Con Cưng lừa dối khách hàng.

Hơn nữa, khách hàng bỏ tiền mua hàng, chấp nhận giá bán cao thì phải được nhận về món hàng đúng giá trị. Đây cũng chính là niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu của doanh nghiệp, không thể đánh lừa.

“Tôi bỏ tiền mua sắm cho con đầu lòng, bao nhiêu yêu thương dành cho con mà lại bị doanh nghiệp lừa dối thì không thể chấp nhận được. Nếu là một mặt hàng tiêu dùng thông thường thì đã khác, đằng này là các mặt hàng chăm sóc sức khỏe mẹ bầu và em bé thì phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng”, ông Vĩnh nói.

img

Khách hàng cho rằng phía Con Cưng chưa giải quyết những vấn đề vị này phản ánh về nghi vấn thay đổi nhãn mác sản phẩm. 

Ông Vĩnh cũng cho rằng, khiếu nại của ông đến Con Cưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông chưa được cung cấp các chứng từ hợp pháp xuất xứ và chất lượng sản phẩm ông mua. Thậm chí, sản phẩm lỗi là bộ thun bé gái có mã CF G127011 ông vẫn đang giữ, phía Con Cưng chưa hề thu hồi để xử lý.

“Theo thông tin mà phía Con Cưng cung cấp, vấn đề thay tên đổi họ là do sai sót của nhà sản xuất ở Thái Lan, vậy trách nhiệm của Con Cưng ở đâu khi nhập khẩu lô hàng này?”, ông Vĩnh đặt vấn đề.

Từ đó, ông Vĩnh yêu cầu phía Con Cưng phải minh bạch, rõ ràng các thông tin về xuất xứ, chất lượng của sản phẩm đúng với quy định của pháp luật Việt Nam.

Cũng trong sáng nay (24.7), Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã có báo cáo về các sai phạm tại 3 cửa hàng của Con Cưng mà cơ quan này vừa kiểm tra.

Cụ thể, tại cửa hàng Con Cưng ở số 833-835 Hồng Bàng (phường 9, quận 6, TP.HCM), cơ quan chức năng đã tạm giữ lô 4 tuýp mỹ phẩm kem massage bụng hiệu TiTiOne, giá trị gần 1,4 triệu đồng. Lô hàng này có nhãn tiếng Việt in trực tiếp trên bao bì sản phẩm có dán miếng giấy ghi nội dung “Sản xuất bởi: Công ty TNHH mỹ phẩm TITIONE” chồng lên thông tin in sẵn nằm dưới có nội dung “Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C, VP: 413 Đường số 1, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM, TP.HCM, Việt Nam”.

img

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm tại cửa hàng đồ mẹ và bé Con Cưng.

Ngoài ra, mặt hàng mỹ phảm (phấn, sữa tắm, sữa tắm-gội, sữa dưỡng da, nước hoa...) hiệu Johnson’s và Johnson’s baby do Thái Lan, Philippin, Malaysia sản xuất, có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định, số lượng 130 đơn vị sản phẩm, có giá trị  hơn 12 triệu đồng.

Mặt hàng 56 mắt kính trẻ em tại đây cũng không có hiệu, chỉ đính kèm nhãn giấy không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa. Cũng tại cửa hàng này, cơ quan chức năng thu giữ 224 sản phẩm quần áo trẻ em các loại (đồ body, đồ bộ, áo, quần, đầm thun) hiệu CF, concung.com, laluna, lebe’, Starter’s, xuất xứ “made in Thailand” nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp trên sản phẩm (riêng hiệu concung.com không có nhãn gốc hàng hóa) và nhãn phụ tiếng Việt Nam không đính kèm sản phẩm hàng hóa mà treo trên móc treo sản phẩm….

888 đơn vị sản phẩm quần áo khác gồm đồ bộ, áo, quần, đầm thun hiệu CF, concung.com, ghi xuất xứ “Made in Vietnam, kèm nhãn giấy/bao bì ghi thông tin không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa, trị giá lô hàng hơn 88 triệu đồng.

Toàn bộ hàng hóa tạm giữ chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

img

Cơ quan chức năng thu giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu vi phạm tại các cửa hàng Con Cưng ở quận 6, quận 3 và quận 1, TP.HCM.

Còn tại cửa hàng Con Cưng ở địa chỉ số 424 Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3, TP.HCM), qua kiểm tra đã tạm giữ gần 1.500 đơn vị sản phẩm là áo, quần, bộ đồ, đầm các loại, 114 cài tóc, 85 mắt kính là những mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Nhiều sản phẩm hàng hóa do nước ngoài sản xuất như mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em các loại, mắt kính, quần áo trẻ em trị giá là gần 295 triệu đồng. Toàn bộ hàng hóa tạm giữ chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa; có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ.

Tại điểm kinh doanh đồ dùng trẻ em tại 78 Tôn Thất Tùng (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM), cơ quan chức năng đã ghi nhận dấu hiệu vi phạm ban đầu như không gắn tên địa điểm kinh doanh tại địa điểm kinh doanh, chưa xuất trình được xác nhận của Sở Công thương TP.HCM đã nhận được thông báo chương trình khuyến mãi của Công ty Cổ Phần Con Cưng đối với các khuyến mãi đang thực hiện tại địa điểm kinh doanh.

Cửa hàng này đang trưng bày, kinh doanh 1.841 đơn vị sản phẩm quần áo, kính mát, đồ chơi, đồ dùng cho mẹ và bé các loại do Việt Nam và nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, có vi phạm về nhãn hàng hóa, cụ thể không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, không ghi năm sản xuất, dán che một phần nhãn gốc.

Ông Nguyễn Văn Bách – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM cho biết, trong hôm nay (24.7), cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát các cửa hàng thuộc chuỗi Con Cưng còn lại trên địa bàn TP.HCM.