Ngược dốc đến bản người Mông
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi xuất phát từ trung tâm xã Tri Lễ, vượt 10km đường rừng để đến bản Huồi Mới 2. Đây là 1 trong 8 bản cư trú của đồng bào dân tộc Mông.
Gian nan đường vào Huồi Mới 2
Người Mông Nghệ An thường sống ở những nơi cao nhất, nơi có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Vì thế, đường sá đi lại cũng hết sức khó khăn, phải men theo triền núi, trên những cung đường nguy hiểm, một bên vực sâu, một bên núi cao. Có những đoạn đường, chỉ cần lơi lỏng tay ga là có thể ngay lập tức lăn xuống vực sâu.
Người dẫn đường nói với chúng tôi, dù chỉ 10km nhưng phải đi thật sớm, có thể phải mất gần 2 tiếng di chuyển. Nếu sau bữa trưa, trời không đổ mưa, khách lữ hành có thể về trung tâm xã trong ngày. Chỉ cần một vài hạt mưa rơi xuống, khách phải ở đến ngày hôm sau chờ đường khô ráo mới có thể quay ra. Ở dưới xuôi lên, trên con đường này chỉ có thể đi mỗi người 1 xe và phải luôn đi số 1 để đảm bảo an toàn.
Sau hơn 1km đường bê tông ra khỏi trung tâm xã đã chạm đường đất, người dẫn đường nói lơ lớ tiếng Kinh đầy ái ngại: “Anh nhìn con dốc đi đã, xem có đủ sức lên không? Nếu không vững tay lái thì không qua khỏi đâu (đi qua là không sống được đâu - PV).
Ông hàng nước bên đường, người dân tộc Thái cũng không quên nhắc chúng tôi chân phải luôn giẫm phanh và đi số 1: “Quãng đường ngắn thôi nhưng phải luôn đi số 1. Cố gắng đừng để xe chết máy dừng giữa dốc. Ở đây đã có nhiều người dưới xuôi lên rồi nhưng nhìn con dốc là không dám đi nữa”.
Chiếc xe ì ạch, rú ga lên từng hồi, leo lên hết con dốc này, được vài chục mét đường bằng lại tiếp tục một con dốc khác. Chúng tôi có cảm giác như đang có một cuộc trải nghiệm vừa thú vị, vừa mạo hiểm để đi lên cổng trời vậy. Thi thoảng chúng tôi lại gặp một cặp vợ chồng người Mông từ phía trên các đỉnh núi lúi húi cho xe đi xuống, phía sau, phía trước đều chở theo những bì xác rắn đựng hàng. Mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị sẵn máy ảnh, điện thoại để có thể ghi lại những hình ảnh thú vị nhưng cứ hết cung đường dốc này lại phải leo lên những con dốc khác. Có cảm giác, nếu chỉ cần dừng lại, xe sẽ tuột bánh mà lùi, lúc đó sẽ chẳng biết có chuyện gì xảy ra.
“Họ là đồng bào người Mông đang chở đào ra trung tâm xã nhập cho các đầu mối đấy. Ở các bản người Mông, nhà nào cũng có dăm chục gốc đào. Năm nay đào được mùa nhưng giá rẻ, hái được chừng nào họ phải mang đi nhập ngay. Trời nắng thế này, để đào trong nhà qua đêm đến sáng mai là héo hết. Quả đào khi ở trên cây trông đẹp thế nhưng hễ chín là có dòi bọ ngay”, người dẫn đường giải thích.
Cách trở về đường, thiếu thốn về điệnSau hơn 1 tiếng rưỡi hì hục, lần đầu tiên chúng tôi có cảm giác được nới lỏng tay ga. Phía trước con dốc nhỏ là trạm đóng chốt của Đồn Biên phòng Tri Lễ. Vượt qua một chiếc cầu tạm sẽ đến bản Huồi Mới 2.
Ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà men theo triền núi lên đến tận đỉnh trông như một bức tranh sơn cước không tỳ vết. Không chỉ thưng bằng gỗ, những ngôi nhà thấp lè tè kia cũng được lợp bằng gỗ sa mu - một loại gỗ có “sức sống” diệu kỳ dưới sức tàn phá của nắng, gió. Bên khe suối, có chăng chỉ một vài ngôi nhà tạm bợ dùng làm điểm bán hàng tạp hóa. Những con đường chỉ bằng những lối mòn leo lên bản dựng đứng. Những vườn đào xanh mướt cũng xuất hiện trong nắng sớm. Lũ trẻ người Mông trần truồng, lội suối, đen nhẻm, ngoái nhìn lên khi nghe tiếng xe máy đi qua.
Ở đây, gần như 100% các ngôi nhà đều dựng bằng gỗ, cầu gỗ... và ngay cả nhà vệ sinh của trạm biên phòng này cũng thưng bằng gỗ. Một vài điểm trường học được bê tông nhưng đó chỉ là những con số rất ít ỏi.
Hầu hết các ngôi nhà ở Huồi Mới 2 đều được thưng và lợp bằng gỗ
“Vì sao ở đây gần như không có bất cứ một thứ gì được làm bằng bê tông?” - tôi hỏi.
Người dẫn đường cho biết: “Con đường độc đạo từ trung tâm xã vào đến đây, hai chiếc xe máy cũng khó tránh nhau, xe ô tô không vận chuyển vật liệu vào đây được. Vì vậy, từ lâu đời, đồng bào ở đây đã làm nhà bằng gỗ, mọi thứ đều bằng gỗ. Anh thấy đấy, ngay cả cái sân của trạm biên phòng từ hàng chục năm nay vẫn chỉ là sân đất. Hộ nào khá giả lắm mới mua được vài bao xi măng về tráng qua nền nhà. Chúng ta cứ vào bản đi, nếu trưa quá hoặc trời mưa không thể ra kịp thì có thể về chỗ trạm biên phòng xin nghỉ tạm”.
“Tri Lễ đã có nhiều thay đổi, nhất là khi các dự án trồng chanh leo, trồng đào... được đưa về đây. Đặc biệt, khi QL16 được nhựa hóa, Tri Lễ không còn là một nhánh “đường cụt” của huyện Quế Phong. Nhưng đó chỉ là bộ mặt, thiếu điện, gần như 100% đường liên thôn, bản đều là đường đất, có những bản nằm tít tận núi rừng, gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. Những hộ khá giả ở vùng trung tâm xã đa phần là người dưới xuôi lên”, ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ.Từ trạm biên phòng, chúng tôi tiếp tục hành trình khi mặt trời đã lên cao hơn ngọn núi xa xa.
Trưởng bản Huồi Mới 2 Xồng Giống Và bắt tay chúng tôi với nụ cười ái ngại: “Ta cũng dậy từ 4 giờ sáng, chở đào ra trung tâm xã bán, vừa mới về xong.
Cán bộ đi đường vất vả quá. Ta uống ngụm nước rồi tiếp tục vào trại cho kịp kẻo trời mưa”.
Từ nhà trưởng bản Huồi Mới 2 chúng tôi di chuyển gần 3km đường rừng nữa để đến được với những trại chăn nuôi, trồng trọt của người Mông. Đứa bé con nhà trưởng bản cũng nhõng nhẽo đòi theo bố mẹ.
Chở chúng sau xe, tôi có cảm giác như không thể trụ vững mỗi khi xuống dốc. Bánh xe hết trượt bên này lại trượt bên khác, cánh tay đã mỏi rũ khi đến trại chăn nuôi, trồng trọt của trưởng bản Xồng Giống Và.
“Người Mông không có trại gần nhà đâu. Xa đến đâu dân bản cũng chấp nhận.
Chỉ cần ở đó có thể trồng cây, chăn nuôi nuôi sống dân bản. Ta cũng mong dân bản có thật nhiều lúa nước để khỏi phải nay đây, mai đó phát nương làm rẫy”, ông Và chia sẻ.
Ở Huồi Mới 2, đất trồng lúa nước nay đã nhiều, cái ăn không còn thiếu thốn, những vườn đào lúc lỉu quả trên cây, chín vàng báo hiệu một cuộc sống no đủ. Nhưng theo ông Và, dân bản đủ ăn thì không khó, còn làm giàu thì còn xa vời lắm: “Đường ra đến trung tâm xã xa quá, lại khó đi nên có làm ra nhiều sản phẩm cũng khó chở ra bán. Tư thương họ cũng vào mua nhưng ở bên kia con dốc, dân bản chở ra đến đó cũng mất gần 1 giờ đồng hồ rồi. Lại còn bị ép giá nữa nên không được là bao. Người Mông đã quá quen với cuộc sống trên những ngọn núi cao rồi, nay không thể thay đổi được đâu”.
Cái ăn không thiếu nhưng đồng bào Tri Lễ vẫn chưa thoát nghèo
Huyện Quế Phong được quy hoạch trên dưới 10 nhà máy thủy điện lớn nhỏ. Nhưng một điều bất cập là ở Tri Lễ, một xã chẳng xa xôi gì với Nhà máy thủy điện Hủa Na (xã Thông Thụ) lại chỉ có 10/33 thôn bản được sử dụng điện lưới. Họ phải sử dụng điện phát từ các tua bin nhỏ. Có những bản như D1, D2, Minh Châu, Na Chạng... nằm ngay trung tâm xã vẫn chưa có điện lưới. Đồng bào những bản này phải sử dụng chung điện với Cty CP Thực phẩm Chanh leo (Nafood) đóng trên địa bàn.