Dân Việt

Nguồn gốc xung đột Israel - Palestine (Kỳ 1): Căn nguyên thù hận

Thùy Dương 12/08/2018 17:32 GMT+7
Hiếm có cuộc xung đột quốc tế nào lại tạo ra nhiều bế tắc ngoại giao như giữa Israel và Palestine. Bắt nguồn từ nhiều thập kỷ mâu thuẫn về tôn giáo, biên giới và lãnh thổ, xung đột giữa người Israel và Palestine đã khiến vô số chính khách, nhà ngoại giao phải “xắn tay áo” tham gia tiến trình hòa bình để rồi lại chứng kiến công sức bị đổ sông, đổ biển vào phút chót.

CĂN NGUYÊN THÙ HẬN

Người La Mã đã đặt tên cho Palestine khi họ xâm lược mảnh đất này từ người Do Thái gần 2.000 năm trước đây. Sau khi người La Mã bị đánh bại, Palestine là một phần của các đế chế Arab suốt từ thế kỷ thứ 7. Từ năm 1517 - 1920, Palestine là một phần nhỏ của đế chế Ottoman. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, quân Anh và Pháp đã đánh bại quân Đức và đế chế Ottoman. Hội Quốc Liên (tiền thân Liên hợp quốc) đã phải quyết định quốc gia nào có chủ quyền ở Palestine và các vùng đất rộng lớn mà đế chế Ottoman từng cai trị. Hội Quốc Liên đã trao hơn 90% lãnh thổ cho các quốc gia Arab, quyết định Anh và Pháp là quốc gia ủy trị.

Tuy nhiên, có hai bên muốn làm chủ vùng đất Palestine. Các quốc gia Arab cho rằng vì vùng đất này do người Hồi giáo cai trị hơn một thiên niên kỷ và dân số đa số là người Arab nên Palestine phải là một phần của một quốc gia Arab, có thể là Syria. Trong tuyên bố Balfour năm 1917, chính phủ Anh thì cho rằng Palestine cần phải là khu vực của người Do Thái vì cho rằng các vương quốc Do Thái đã trị vì ở nhiều khu vực Palestine trong hơn 1.000 năm và mảnh đất này, đặc biệt là Jerusalem (thủ đô cổ đại của người Do Thái) là trung tâm của tôn giáo Do Thái. Họ còn lập luận rằng người Arab có một số quốc gia với diện tích hàng triệu km vuông rồi trong khi người Do Thái lại không có quê hương.

img

Bản đồ chia cắt theo nghị quyết của Liên hợp quốc.

Bất chấp tuyên bố của các nước Arab và thực tế là đa số cư dân là người Arab, Hội Quốc Liên phán quyết Anh là chính phủ ủy trị Palestine để tạo điều kiện cho người Do Thái định cư ở đó. Các nước Arab và người dân Arab ở Palestine không chấp nhận quyết định này của Hội Quốc Liên và từ chối đàm phán về nơi mà họ gọi là mảnh đất Arab, mảnh đất Palestine này.

Trong khi đó, những năm 1930, người Do Thái bị chế độ phát xít Hitler khủng bố khắp châu Âu đã dồn dập tràn vào một khu vực ở Palestine mà họ xác định là quê cha đất tổ theo Kinh Thánh, nay chính là Israel. Từ đó, thế giới có phong trào phục quốc, kêu gọi những ai là người Do Thái về đất tổ. Giữa người Do Thái hồi hương và người Palestine ở vùng đất này liên tục xảy ra tranh chấp đất đai từ đó.

Quyền ủy trị đối với Palestine của người Anh từ năm 1923 đã chấm dứt. Năm 1947, Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 181 về chia cắt khu vực Palestine thành một nhà nước Do Thái, một nhà nước Arab và một khu vực quốc tế nhỏ là Jerusalems. Một số quốc gia Arab phản đối ý định này nhưng kế hoạch vẫn được thực hiện. Người Anh chính thức rút khỏi Palestine ngày 14.5.1948 và Hội đồng Nhà nước Do Thái tuyên bố thành lập Nhà nước Israel.

Thù địch nổ ra gần như ngay lập tức sau khi nhà nước Israel được thành lập. Các nước Arab xung quanh xâm chiến với ý định đè bẹp quốc gia Israel mới chào đời. Israel thắng cuộc và khẳng định chủ quyền. Tính đến thời điểm lệnh ngừng bắn được thực thi ngày 7.1.1949, lãnh thổ gốc của Israel đã tăng 50% khi Israel chiếm phía tây Galilee - một hành lang rộng xuyên miền trung Palestine tới Jerusalem - và một phần Jerusalem hiện đại. Biên giới mới được gọi là Đường Xanh (Green Line).

img

Binh sĩ Israel ăn mừng khi chiếm được bán đảo Sinai của Ai Cập năm 1967.

Có tới 750.000 người Palestine phải chạy trốn hoặc buộc phải chạy trốn khỏi Israel, định cư trong các trại tị nạn gần biên giới Israel. Tình trạng của số người tị nạn này từ đó đã trở thành một điểm khó giải quyết trong quan hệ Arab - Israel. Sự kiện người Palestine bị đánh bại và di cư được gọi là Nakba (thảm họa).

Chaim Weizmann và David Ben-Gurion đã trở thành tổng thống và thủ tướng đầu tiên của Israel. Chính phủ mới được kết nạp vào Liên hợp quốc ngày 11.5.1949. Các khu vực còn lại của Palestine bị phân chia giữa Transjordan (Jordan ngày nay) và Ai Cập. Jordan sáp nhập Bờ Tây và Ai Cập kiểm soát Dải Gaza. Thông qua một loạt chính sách xã hội và chính trị, Jordan tìm cách củng cố quyền kiểm soát tương lai chính trị của người Palestine. Jordan thậm chí còn mở rộng quyền công dân cho người Palestine năm 1949.

Cuộc đụng độ tiếp theo giữa Israel và các nước láng giềng Arab diễn ra xảy ra khi Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez năm 1856 và cấm tàu thuyền của Israel. Phối hợp với lực lượng Pháp và Anh, binh sĩ Israel đã chiếm Dải Gaza, xâm nhập qua Sinao tới bờ đông của kênh đào Suez nhưng buộc phải rút dưới áp lực của Liên hợp quốc và Mỹ.

Trong cuộc chiến tranh Arab - Israel năm 1967, trong vòng 6 ngày, Israel đã đánh bại lực lượng quân đội Ai Cập, Syria và Jordan, sáp nhập các lãnh thổ Đông Jerusalem, cao nguyên Golan, Bờ Tây, Dải Gaza và toàn bộ bán đảo Sinai, mở rộng lãnh thổ 200%. Vào ngày 22.11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 242 theo công thức “mảnh đất vì hòa bình” để làm điểm khởi đầu cho đàm phán. Nghị quyết kêu gọi thiết lập hòa bình lâu dài và công bằng ở Trung Đông dựa trên việc binh sĩ Israel rút quân khỏi các lãnh thổ chiếm đóng năm 1967, chấm dứt mọi cuộc chiến, tôn trọng chủ quyền mọi quốc gia trong khu vực, quyền được sống trong hòa bình trong ranh giới an toàn, được công nhận.

Tuy nhiên, hòa bình ngắn chẳng tày gang. Bạo lực tiếp tục dọc kênh đào Suez. Tháng 4.1969, Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn năm 1967 là không có giá trị dọc kênh đào và cuộc chiến tranh tiêu hao bắt đầu. Cả Ai Cập và Israel không bên nào chiến thắng. Lệnh ngừng bắn được ký tháng 8.1970.

Trong bối cảnh Israel thậm chí không muốn bàn tới việc trả lại các lãnh thổ chiếm đóng, cuộc chiến tranh Arab - Israel lần thứ tư đã nổ ra ngày 6.10.1973. Trong đó, người Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công vào ngày lễ linh thiêng của người Do Thái Yom Kippur. Lợi thế ban đầu của phe Arab bị đảo ngược khi một lệnh ngừng bắn có hiệu lực hai tuần sau đó. Tuy nhiên, Israel cũng thiệt hại nặng nề.

Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) thành lập năm 1964 với mục tiêu giải phóng Palestine, tiêu diệt Israel thông qua đấu tranh. Các cuộc bạo động, biểu tình của người Palestine chống Israel đã trở thành vấn đề kinh niên. Năm 1974, lãnh đạo PLO Yasir Arafat đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên đại diện của một tổ chức không thuộc Liên hợp quốc lên phát biểu tại Đại hội đồng.  Sau đó, PLO đã giành được một vị trí quan sát viên tại Liên hợp quốc.