Vào lúc 20h00 ngày 23.7.2018 theo giờ Việt Nam, đập thuỷ điện Sepien Senamnoi, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Nam Lào, bị vỡ.
Vụ vỡ đập đã gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản ở huyện Sanamxay bị ngập hoàn toàn, gồm bản May, bản Hinlath, bản Nhaythe Sanong Tay, bản Thaxengchan, bản Thahin, trên 1.300 hộ gia đình với 6.600 bị ảnh hưởng. Theo thông tin ban đầu, vụ vỡ đập đã khiến ít hơn 100 người mất tích. Đến nay lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể của 28 người và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Đến sáng 24/7, mực nước đo tại bản Veurnpheng huyện Sanamxay vẫn còn cao ở mức 15m. Hiện chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ các lực lượng để tham gia tìm kiếm những người còn mất tích. Vẫn chưa rõ có người Việt nào bị thiệt mạng trong vụ vỡ đập này hay không.
Hiện công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại do đường sá đi lại rất khó khăn. Ban cứu hộ trung ương đang phối hợp với cơ quan các tỉnh Xekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch cứu hộ, tiếp tế lương thực thực phẩm... Nguyên nhân vỡ đập được cho là do mưa lớn trong nhiều ngày.
Đập thuỷ điện này dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Theo kế hoạch, con đập trên sẽ xuất khẩu 90% lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Dưới đây là những thảm họa vỡ đập thủy điện khủng khiếp nhất trên thế giới:
Ngày 1.12.1923: Một phần của đập vòm Gleno nhiều tầng được xây dựng trên sông Gleno ở Valle di Scalve, Italy bị vỡ chỉ sau 40 ngày sau khi nước được chứa đầy phần lòng hồ, làm 356 người thiệt mạng. Khi sự cố xảy ra, những nỗ lực khắc phục đã hoàn toàn thất bại. Một lượng nước khoảng 4,5 triệu m3 đã tràn ra từ độ cao 1.535m xuống vùng thung lũng phía dưới. Thảm họa chỉ ngừng lại khi mực nước chỉ còn 186m.
Theo những điều tra sau đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố của đập Gleno phần nhiều là do chủ quan. Việc thiếu kinh phí đã làm các nhà thầu thay đổi thiết kế và thiết kế mới đã không phù hợp với loại móng được thi công từ trước. Ngoài ra, tay nghề công nhân kém và những sai phạm trong sử dụng vật liệu như dùng lưới chống lựu đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất làm để gia cố các phần của công trình cũng như sử dụng bê tông kém chất lượng đã dẫn đến thảm họa.
Mùa lũ năm 1975: Xảy ra vụ vỡ đập Bản Kiều được xây dựng trên sông Ru tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây ra thiệt hại nặng nề và khiến 175.000 người thiệt mạng và hơn 11 triệu người khác mất nhà cửa.
Ngày 6.11.1977: Mưa lớn đã khiến đập thủy điện Kelly Barnes, một đập đắp bằng đất ở bang Georgia, Mỹ, bị vỡ làm 39 người thiệt mạng và thiệt hại về tài sản lên đến 3,8 triệu USD. Theo điều tra sau đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố là khi xây dựng các kĩ sư đã tính toán sai về độ dốc mái đập. Điều này đã làm thay đổi trọng tâm và khả năng chịu lực của con đập trong điều kiện trời mưa lớn. Con đập này đã không bao giờ được xây dựng lại và tại nơi xảy ra sự cố người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm để thu hút khách du lịch.
Ngày 11.8.1979: Đập Machchu - 2 nằm trên sông Machchu, Morbi, Ấn Độ bị vỡ, tạo ra một bức tường nước khổng lồ, quét qua thị trấn Morbi gây ra thiệt hại rất lớn khi số người thiệt mạng lên đến 25.000 người.
Nguyên nhân của sự cố là những trận mưa lớn ở đầu nguồn, làm con đập đắp bằng đất dài 4km bị tan rã. Khả năng thiết kế của đập chỉ chịu được lưu lượng 5.663 m3/s trong khi trận mưa lớn năm đó làm lưu lượng lên đến 16.307 m3/s, gấp 3 lần sức chịu đựng của công trình. Trong vòng 20 phút, nước lũ đã dâng từ 3,7 lên 9,1m, nhấn chìm toàn bộ thị trấn công nghiệp Morbi nằm sau con đập 5km. Trong quá trình tái xây dựng, con đập mới đã được tăng cường khả năng chịu đựng với lưu lượng lên đến 21.000 m3/s.
Ngày 15.7.1982: Đập đất Lawn được xây dựng trong công viên quốc gia Rocky Mountain, Mỹ, bị vỡ, khiến 830.000 m3 nước tràn ra làm 3 người cắm trại trong khu vực thiệt mạng và thiệt hại kinh tế lên đến 31 triệu USD.
Lawn là hồ tự nhiên với diện tích mặt nước là 66.000 m2 ở độ cao 3.3km so với mực nước biển trên dãy núi Rocky. Năm 1903, nhóm những nông dân trong khu vực đã xây dựng 1 con đập bằng đất để tăng diện tích mặt nước của hồ lên đến 190.000m2 với mục đích cung cấp nước cho tưới tiêu thủy lợi trong vùng.
Khi con đập bị vỡ, lượng nước khổng lồ đã chảy xuống thung lũng phía dưới với tốc độ 510m3/s tạo nên rãnh lớn dưới thung lũng. Với tốc độ khủng khiếp này, cả hồ nước đã cạn chỉ trong khoảng 1 phút.