Lợi ích từ việc tái chế giấy
Báo cáo “Tác động của việc sản xuất giấy tái chế đến môi trường” của Đại học kỹ thuật Zvoken – Slovakia đã chỉ ra rằng, tái chế giấy giúp tiết kiệm nguyên liệu gỗ tự nhiên, giảm chi phí hoạt động, vốn đầu tư, giảm lượng nước tiêu thụ và quan trọng là thân thiện với môi trường.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng sản xuất tận dụng giấy tái chế.
Cụ thể, sản xuất giấy tái chế sử dụng năng lượng ít hơn 31% so với việc tạo ra giấy từ sợi nguyên chất. Đồng thời, sản xuất 1 tấn giấy tái chế tiết kiệm hơn 35.000 lít nước so với sản xuất 1 tấn giấy sợi nguyên chất. Nếu phải cần đến 2,5 tấn gỗ mới có thể tạo ra 1 tấn giấy thì khi sử dụng giấy tái chế, lượng nguyên liệu giảm còn 1 nửa.
Nhìn chung, sản xuất giấy bằng tái chế giấy hiệu quả hơn sản xuất giấy từ gỗ vì việc tách xơ sợi và tẩy trắng đã được làm trước đó nên sử dụng ít năng lượng, nước và hóa chất hơn, đồng thời thải ra không khí và nước ít chất độc hại hơn. Trung bình, giấy có thể được tái chế từ 4-6 lần, giảm đáng kể lượng giấy chôn lấp hay phải đốt bỏ, đồng nghĩa với giảm ô nhiễm không khí và nước, cũng như khí nhà kính thoát ra khi giấy phân huỷ ở bãi chôn lấp.
Mặt khác, dưới tác động của công nghiệp hoá và đô thị hoá, nguồn nguyên liệu gỗ trong tự nhiên có thể không còn đủ cho sản xuất giấy khi nhu cầu con người ngày càng tăng. Do vậy, phương pháp sản xuất giấy từ giấy đã qua sử dụng là một hướng đi mới cho ngành giấy.
Trên thế giới, mức độ tái sử dụng và thu gom giấy của những quốc gia Âu Mỹ là rất cao. Nhiều nhà máy đã đầu tư công nghệ để sản xuất giấy hoàn toàn từ giấy tái chế. Tại Châu Á, Nhật Bản được xem là quốc gia đi đầu trong sản xuất giấy tái chế. Năm 2016, Nhật thu hồi được khoảng 21,2 triệu tấn giấy, trong đó xuất khẩu 4,1 triệu tấn, tái sử dụng trong nước khoảng 17,1 triệu tấn. Có tới 99% lượng giấy sau thu gom đã được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất giấy mới tại quốc gia này.
Hướng đi mới cho các doanh nghiệp
650 triệu đô la Mỹ được Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam đầu tư cho chuỗi sản xuất
Nhận thấy lợi ích to lớn từ việc sản xuất giấy từ giấy tái chế, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng xác định, giấy đã qua sử dụng là nguồn nguyên liệu quan trọng của ngành giấy Việt Nam, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất giấy tái chế. Hiện nay, tỷ lệ sản xuất bột giấy từ giấy tái chế ở Việt Nam chiếm 65-70%, trong đó giấy gom trong nước khoảng 32%.
Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam - 1 trong những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang hoạt động hiệu quả với dây chuyền công nghệ sản xuất giấy từ giấy tái chế thuộc hàng hiện đại nhất hiện nay. Công ty này sử dụng hơn 90% nguyên liệu là giấy tái chế để sản xuất, với công suất 420,000 tấn/năm.
Được biết, công ty đã đầu tư hơn 650 triệu đô la Mỹ cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì hiện đại hàng đầu thế giới từ những nhà cung cấp thiết bị sản xuất giấy hàng đầu như Cộng hòa Áo, Thuỵ Điển, Mỹ, Đức,… Nhờ đó, dù sử dụng nguyên liệu là giấy tái chế nhưng sản phẩm giấy thành phẩm của Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam là giấy bì cao cấp Krafliner và Whitetopliner vốn rất ít nhà máy giấy ở Việt Nam có thể sản xuất được.
Bên cạnh đó, để giảm đến mức thấp nhất tác động trong quá trình sản xuất đến môi trường, công ty chú trọng vào việc đầu tư công nghệ xử lý thải. Theo báo cáo về hoạt động của công ty gửi về Sở TNMT tỉnh Hậu Giang thì chất lượng nước thải sau khi xử lý tại nhà máy có chất lượng cao hơn chất lượng nước thải quy định tại cột A của tiêu chuẩn về nước thải và có đến 11/23 chỉ tiêu không phát hiện hoặc phát hiện rất thấp so với quy chuẩn.
Ông Patrick Chung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam cho biết: “Chúng tôi hướng đến mục tiêu đi đầu trong xu hướng công nghệ sản xuất giấy từ giấy tái chế và đạt tiêu chí: đi đầu công nghệ, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường”.