Dân Việt

Các trường hợp được giám định lại vết thương tái phát

P.V 26/07/2018 10:50 GMT+7
Việc xác nhận vết thương thực thể phải dựa trên các bằng chứng y học (thông qua thăm khám nhìn, sờ, gõ nghe), do vậy, nếu không thể đánh giá vết thương dựa trên các bằng chứng y học thì rất khó để xếp loại được tỷ lệ thương tật.

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận gửi Bộ trưởng Bộ Y tế câu hỏi chất vấn với nội dung như sau:

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết:

Quy định cụ thể như thế nào là vết thương thực thể do di chứng tù  đày. Vì địch bắt tra tấn tù nhân bằng nhiều thủ  đoạn tinh vi, không để lại vết thương thực thể như cách hiểu trong văn bản của Bộ Y tế đã quy định. Có trường hợp vì tù đày tra tấn đã bị tâm thần do bị tra tấn từ trong nhà tù cho đến nay. Đó chính là vết thương “thực thể” nhưng đến nay, những đối tượng này chưa được công nhận. Vậy, đối với những đối tượng này, việc xác nhận vết thương thực thể phải như thế nào để họ được hưởng chính sách theo quy định?

Đối với những người bị địch bắt tù đày có vết thương thực thể, nay vết thương cũ tái phát do di chứng của tù đày có được tiếp tục giám định lại thương tật không? Nếu có thì được quy định ở văn bản nào? Nếu không thì lý do tại sao?".

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Phúc như sau:

Việc xác nhận vết thương thực thể phải dựa trên các bằng chứng y học (thông qua thăm khám nhìn, sờ, gõ nghe), do vậy, nếu không thể đánh giá vết thương dựa trên các bằng chứng y học (như bị tâm thần do bị tra tấn từ trước bằng thủ đoạn tinh vi) thì rất khó để xếp loại được tỷ lệ thương tật.

Như vậy, các đối tượng muốn được hưởng các chính sách theo quy định thì phải được thăm khám và xác định là có vết thương thực thể.

Việc giám định lại thương tật được quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP. Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 30 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định:

Thương binh đã giám định có vết thương sau đây tái phát thì được giám định lại:

a) Vết thương sọ não bị khuyết xương sọ hoặc còn mảnh kim khí trong sọ gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt;

b) Vết thương thấu phổi gây biến chứng dày dính màng phổi hoặc xẹp phổi dẫn đến phải cắt phổi hoặc thùy phổi;

c) Vết thương ở tim dẫn đến phải phẫu thuật;

d) Vết thương ổ bụng: Dạ dày hoặc ruột gây biến chứng ở dạ dày hoặc dính tắc ruột phải phẫu thuật;

đ) Vết thương ở gan; mật, lách; tụy hoặc thận gây biến chứng phải phẫu thuật;

e) Vết thương ở cột sống biến chứng gây liệt hoặc rối loạn cơ tròn đại tiểu tiện không tự chủ;

g) Các vết thương ở tay hoặc ở chân tái phát phải phẫu thuật cắt đoạn chi;

h) Vết thương ở mắt tái phát dẫn đến mù mắt; vết thương ở tai gây mất hoàn toàn sức nghe hai tai.

Khoản 5 Điều 30 quy định: Không giám định lại những trường hợp sau:

a) Thương binh đã được giám định do vết thương cũ tái phát;

b) Thương binh loại B.

Thương binh đã khám giám định thương tật, nay có vết thương tái phát theo quy định nêu trên thì được khám giám định lại vết thương tái phát đó và khám giám định theo quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 25.11.2014 của Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn khám giám định thương tật cho thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.