Về quê lạc… ngõ
Thương Lộc là một xã vùng Trà Sơn của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) khó khăn về nhiều mặt, sau 10 năm địa phương này đã có những đổi thay chóng mặt không chỉ phát triển kinh tế mà cả nhận thức của người dân, có được sự chuyển mình này không chỉ cán bộ mà chính những người dân nơi đây cảm nhận rõ nhất về cú hích của Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển tam nông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và nói chuyện với bà con nhân dân Khu dân cư kiểu mẫu thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch hà, Hà Tĩnh ngày 22.4.2016.
Ông Nguyễn Văn Hòa ở thôn Sơn Bình xã Thượng Lộc cho biết: “Không phải nhìn đâu xa giờ ra vườn, ra ngõ là thấy sự đổi thay. Trước đây, làng xóm nhếch nhác, đường nhỏ cây cối um tùm đi xe đạp cũng khó. Nay ở thôn Sơn Bình đường rộng, nhà cửa khang trang, cổng, tường rào thẳng tắp. Còn trong vườn nhà nhà trồng cây ăn quả, thu nhập mùa, vụ trên 100 triệu đồng”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Chuân-Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho hay: “Sau 10 năm triển khai Nghị quyết về Tam nông Thượng Lộc có sự chuyển mình mạnh mẽ với hai lĩnh vực cơ bản là xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu cây trồng tập trung vào cây ăn quả. Đơn cử trong quá trình triển khai mở rộng đường ở các thôn xóm, ngày trước đường chỉ rộng 1,5m, bụi cây um tùm, nước chảy lênh láng, giờ mở rộng từ 5-8m có mương thoát nước, cây tạp chặt phá bỏ trồng cây ăn quả. Vì thế mà Tết vừa rồi nhiều con em đi xa về quê không nhận ra thôn xóm và thậm chí là ngay chính ngõ của mình”. Theo ông Chuân, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 xã Thượng Lộc thu nhập bình quân đầu người/năm từ 5,6 triệu đồng (năm 2008) tăng lên 31,03 triệu đồng (năm 2017).
Nghị quyết tam nông ra đời đúng thời điểm đã khơi dậy cho người dân phát triển sản xuất rộng khắp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đời sống của người dân nông thôn được cải tiện rõ rệt, diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, sau 10 năm triển khai từ năm 2008 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở Hà Tĩnh mới chỉ 6,23 triệu đồng nhưng đến năm 2017, con số này đã tăng lên 4 lần (25 triệu đồng/người). Đặc biệt, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đã làm thay đổi về nhận thức, quan niệm của người dân, từ chỗ “thụ hưởng, bị động” chuyển dần sang “chủ thể, chủ động”.
Mô hình trang trại anh Phạm Quang Hùng trông cây ăn quả và chăn nuôi hươu cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Tái cơ cấu nông nghiệp giúp nông dân làm giàu
Về thôn 2 xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thăm mô hình trang trại anh Phạm Quang Hùng, ai cũng mê mệt bởi vườn đồi trù phú, đa cây, đa con. Chia sẻ với chúng tôi anh Hùng cho biết: “Năm 2004, vợ chồng tôi lên mảnh đất này khai hoang lập nghiệp từ trồng cây lâm nghiệp nhưng cuộc sống vật chật vật mãi, dù diện tích đất hơn 70ha trồng cây keo. Nhưng sau đó nhờ chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi và cây ăn quả của tỉnh tôi đã chuyển gần 20ha sang trồng cam. Quả thực sau 3 năm những đồi cam đã cho thu nhập, cùng với chăn nuôi hươu và lợn. Mỗi năm thu về không dưới 3 tỷ đồng”.
Trao đổi với PV NTNN ông Nguyễn Văn Việt-Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho biết: Dấu ấn đậm nét nhất trong 10 năm triển khai Nghị quyết 26 về Tam nông ở Hà Tĩnh là năm 2011, tỉnh đã mạnh dạn tái cơ cấu nông nghiệp với việc xác định danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ban hành các đề án, quy hoạch, chính sách cho nông dân làm giàu, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hàng hóa toàn diện, hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: “Đến các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn-trước đây gặp vô vàn khó khăn thì nay ở những vùng này mỗi xã có không ít 5-10 trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng quy mô lớn có thu nhập tiền tỷ mỗi năm”. Cũng theo ông Việt, những năm qua nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò “trụ đỡ” cho sự phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Đòn bẩy từ hàng loạt chính sách cho tam nông
Chuyển đổi sang trồng cam biến vùng nông thôn nghèo khó ở Thượng Lộc thành xã phát triển nhanh năm 2017, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 98 tỷ đồng. (Trong ảnh một hộ dân trồng cam ở xã Thượng Lộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Ông Đặng Ngọc Sơn-Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Từ chỗ trước năm 2010, ở Hà Tĩnh chính sách chỉ mang tính thời vụ, nhỏ lẻ (bình quân mỗi năm hỗ trợ chỉ khoảng 7-8 tỷ đồng). Triển khai Nghị Quyết 26 về tam nông và 9 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng và ban hành tổng cộng 14 cơ chế, chính sách ưu tiên cao nguồn ngân sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư phát triển các mô hình phát triển kinh tế.
Điển hình như: Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện, tái cơ cấu nông nghiệp (theo QĐ 24, các NQ 90, 157, 32), tổng kinh phí ngân sách đã thực hiện 607,8 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ xã về đích nông thôn mới, tổng kinh phí ngân sách đã thực hiện 1.880 tỷ đồng; Chính sách phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (theo NQ 53), tổng kinh phí ngân sách đã thực hiện 37,8 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tổng kinh phí ngân sách đã thực hiện 437,2 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng; hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới (theo các QĐ 26, 03, 09, 23), tổng kinh phí ngân sách đã thực hiện 172,259 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, với nhiều chính sách kích cầu trong lĩnh vực nông nghiệp đã khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào nông nghiệp. Giai đoạn 2008-2017 đã thu hút được 113 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn đầu tư đạt 8.569,72 tỷ đồng.