Dân Việt

Trung Quốc chỉ mua thanh long loại 1, loại 2-3 "dạt" về đâu?

Khải Huyền 27/07/2018 13:30 GMT+7
Đang là mùa thu hoạch chính vụ nhưng giá thanh long ở nhiều nơi đã rớt thảm, thanh long xuất khẩu cũng đang trong xu hướng giảm trong khi một số thị trường có ý định siết chặt các tiêu chuẩn thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Xuất khẩu khó, giá bán “lẹt đẹt”

Từ đầu mùa vụ đến nay, giá thu mua thanh long tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai… liên tục giảm xuống mức thấp khiến nhiều nhà vườn ngao ngán. Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX thanh long Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cho biết, giá thanh long ruột đỏ mùa chính vụ năm nay chỉ được thu mua ở mức 6.000 – 8.000 đồng/kg, giá ruột trắng thấp hơn, 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Riêng sản phẩm loại 2, loại 3 hay hàng dạt, giá chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, thương lái mua về TP.HCM bán đổ đống tại các vỉa hè, lòng đường hoặc dùng làm nước ép… Năm nay, thanh long Tiền Giang đạt sản lượng lớn nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, chất lượng trái giảm nhiều, số hàng loại 1 ít hẳn. Do đó, nông dân bán không được bao nhiêu.

img

Thu mua thanh long tại thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An).

Điều ông Ửng lo ngại nữa là năm nay việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc có phần khó khăn hơn. Ngay từ đầu mùa vụ, nhân viên của các thương lái, của doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt ở Tiền Giang để “thám thính” tình hình, từ đó đưa ra các ước đoán về sản lượng, giá cả… và ép giá nông dân.

Còn tại Đồng Nai, dù sản lượng thanh long không nhiều như ở Long An, Tiền Giang nhưng phần lớn nông dân đều trồng thanh long ruột đỏ, sản phẩm hiện chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, vài tháng nay, các doanh nghiệp cho rằng, phía Trung Quốc bắt đầu siết lại hoạt động nhập khẩu thanh long từ Việt Nam.

Hiện, nhà vườn Đồng Nai chỉ xuất khẩu được thanh long ruột đỏ loại 1 với các tiêu chuẩn khắt khe về kích cỡ, chất lượng trái… Những sản phẩm loại 2, loại 3 còn lại nông dân không biết bán đi đâu nên giá rất thấp.

“Trung Quốc hiện chỉ “ăn” thanh long loại 1, tức phải đáp ứng kích cỡ 3 trái/kg, vỏ chính nhưng các tai trên trái vẫn còn xanh. Giá bán thanh long loại 1 này cũng chỉ 10.000 – 11.000 đồng/kg, rẻ hơn 5 – 6 lần so với hồi đầu năm nay”, đại diện một chủ vựa thu mua trái cây xuất khẩu tại Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết.

img

Nhiều điểm thu mua thanh long còn "chê" hàng dạt, tức loại trái nhỏ, chất lượng kém.

Ông Trương Quang An, Chủ nhiệm HTX thanh long Tầm Vu (Long An) cũng xác nhận, năm nay Trung Quốc giảm “ăn hàng” nên việc tiêu thụ thanh long có phần khó khăn hơn. Trong khi một số thị trường khác của thanh long Việt Nam chỉ nhập loại trái cỡ nhỏ nhưng yêu cầu khá cao về chất lượng, yêu cầu sản xuất phải an toàn, tuân thủ tuyệt đối các quy định về sử dụng thuốc BTVT…

Theo ông An, những năm qua, nhiều nông dân ham giá cao khi xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc nên đã chặt bỏ vườn thanh long ruột trắng chuyển sang trồng ruột đỏ. Đến nay, khi Trung Quốc giảm nhập, việc tiêu thụ trái ruột đỏ này rơi vào tình trạng rất khó khăn. Thậm chí, nếu Trung Quốc ngưng nhập khẩu, thanh long ruột đỏ của Việt Nam chỉ có nước… đổ bỏ.

EU cũng xem xét “siết” thanh long Việt Nam

Không chỉ gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc, phía EU cũng có dự định siết chặt các tiêu chuẩn đối với thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã có công điện gửi Bộ Công Thương về việc Ủy ban châu Âu (EC) dự định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu đối với quả thanh long Việt Nam xuất khẩu sang EU. Công văn này được phát đi sau khi thanh long Việt Nam bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng MRLs quy định tại EC Regulation 669/2009 ngày 24.7.2009.

img

Diện tích trồng thanh long liên tục tăng, nguồn cung lớn đã dẫn đến việc tiêu thụ ngày càng khó khăn hơn.

Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thông tin đến các Sở NNPTNT, Hiệp hội Trái cây Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trên cây thanh long.

Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật phải gửi công văn kiến nghị EC chưa ban hành Quy định mới nhằm kiểm soát nhập khẩu thanh long từ Việt Nam. Trong thời gian này, cơ quan chức năng phía Việt Nam sẽ tìm hiểu chính xác nguyên nhân, triển khai các biện pháp khắc phục nếu có vi phạm nhằm tạo thuận lợi cho thương mại song phương.

Nếu EC thông qua các quy định mới về nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, phía EC sẽ yêu cầu Việt Nam xét nghiệm dư lượng thuốc BVTV đối với 100% thanh long xuất khẩu sang thị trường này, thay vì chỉ 10% như hiện nay.

Ngoài ra, mỗi lô hàng thanh long Việt Nam xuất sang EU đều phải có "Giấy chứng nhận" do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp, đảm bảo dư lượng tạp chất không vượt mức MRLs theo Quy định của EC. Kèm theo đó là kết quả xét nghiệm của các phòng xét nghiệm được ủy quyền. Cơ quan ATTP của các nước thành viên EU sẽ phối hợp với hải quan tái kiểm tra 10% lô hàng thanh long tại cảng đến, trước khi cho phép thông quan nếu đạt yêu cầu.

img

Nếu được thông qua, EU sẽ siết chặt hơn các tiêu chuẩn thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại huyện Long Thành (tỉnh Long An) nhận định, trước đây Việt Nam gần như độc quyền xuất khẩu thanh long, thế nhưng hiện nay, nguồn cung thanh long trên thế giới đã tăng lên nhiều.

Ngay cả Trung Quốc cũng mở rộng trồng thanh long để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Do đó, hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn.

“Khi nguồn cung tăng lên, các nước nhập khẩu sẽ lựa chọn nguồn hàng nào có giá tốt hơn và sẽ yêu cầu cao hơn về chất lượng”, vị này nhận định.

Trước tình hình này, tỉnh Bình Thuận, địa phương có diện tích thanh long lớn nhất nước hiện nay, đã làm việc với các sở, ngành liên quan về giải pháp để phát triển bền vững cây thanh long.

Theo Sở NNPTNT Bình Thuận, sản phẩm thanh long của địa phương đã xuất khẩu vào thị trường 12 nước, chủ yếu là Trung Quốc và một số nước châu Á. Tuy nhiên, hiện việc sản xuất và tiêu thụ thanh long vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu theo kênh truyền thống. Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng10.000ha thanh long VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực này.