Cũng vì là người đầu tiên ở địa phương khởi xướng ra mô hình trồng bồn bồn dại thay lúa nên người ta hay gọi ông Đinh Văn Đông là Đông bồn bồn.
Mộc góc ruộng trồng bồn bồn của gia đình ông Đinh Văn Đông.
Ông Đông kể, sau khi đi bộ đội về năm 1989, thấy làm lúa miết mà mùa được mùa thất bởi quê ông toàn đồng trũng mà đồng hay bị xâm nhập mặn do không có đê bao. Thấy người ta vẫn đi nhổ cây bồn bồn dại về làm rau, làm dưa, bản thân gia đình ông ai cũng khoái mấy món ăn làm từ đọt non bồn bồn.
“Thế là tui nghĩ, cây bồn bồn dại vốn đã sống hoang dã quen với nước phèn, nước lợ rồi. Sao không trồng nó thay cây lúa. Gạo ăn có bao nhiêu đâu, trồng bồn bồn bán có tiền mua gạo cũng được mà…”, ông Đông nhớ lại.
Ban đầu ông Đông trồng thử nghiệm bồn bồn trên 4 công đất ruộng nhà, thấy ăn nên làm ra được với loài cây dại này nên ông tích lũy tiền lãi hàng năm để mua thêm đất rồi phát trồng them bồn bồn. Đến nay ông Đông đang canh tác 25 công bồn bồn, trong đó có 15 công đất nhà và 10 công đất thuê.
Theo ông Đinh Văn Đông, việc nhổ bồn bồn cũng phải thao tác khéo léo để tránh làm tổn thương đến những cây còn non.
Bình quân mỗi công trồng bồn bồn ( 1.000m2), ông thu về hơn 1 tấn bồn bồn tươi. Với giá bán bình quân từ 15-20.000 đồng/kg bồn bồn tươi, 30.000 đồng bồn bồn làm dưa, trừ hết chi phí, ông lãi trên 250.000.000 đồng. “Thực ra trồng bồn bồn đâu có tốn phân thuốc như trồng lúa hay làm màu đâu bởi nó là cây dại vốn mọc ở đây từ bao đời nên sức đề kháng mạnh mẽ, đỡ cả công chăm sóc…”, ông Đông bật mí.
Tuy nhiên, theo ông Đông, không phải vì cây khỏe mà chủ quan. “Trồng bồn bồn phải đề phòng bệnh vàng lá. Khi nhổ bồn bồn xong phải tháo nước trong ruộng để bón phân bò hoai mục rồi mới cho nước vào. Chỉ nhổ những cây sung sức, không nhổ cây non để chúng còn đâm tược. Khi nhổ bồn bồn cũng phải thao tác đúng kỹ thuật không để đứt gốc bên dưới. Chăm bồn bồn không cần dùng phân bón hóa học và thuốc sâu hóa học…thì ruộng mới xanh bền mà đọt bồn bồn mới an toàn thực phẩm”, ông Đông cho hay.
Bồn bồn sau khi nhổ lên bóc lấy phần đọt non bên trong. Đọt non bồn bồn có thể bán tươi để làm rau chế biến các món năn như xào tôm, nấu lẩu hoặc có thể muối thành dưa để bán.
Từ chổ chỉ có mình gia đình ông Đông trồng bồn bồn, đến nay ở xã Mỹ Thuận có tới hợn 10 hộ đổi từ làm lúa sang trồng bồn bồn với tổng diện tích hơn 10ha. Ông Võ Minh Hưng, trưởng ấp Tam Sóc B1 cho biết : “Hồi đầu thấy anh Đông trồng bồn bồn ai cũng xì xầm chuyện này kia, nhưng khi nhà anh thu hoạch bán bồn bồn trúng hơn lúa gấp nhiều lần thì có hộ bắt chước làm theo...
Để tăng thêm thu nhập, tận dụng diện tích ngập lợ, từ năm 2010 ông Đông đã thả nuôi hàng năm khoangr 100.000 con tôm càng xanh. Tôm giống mua về được ông thuần hóa bằng nước ngọt được lấy từ những giếng khoan. Sau 30 ngày, số tôm này mới được thả vào ruộng trồng bôn bồn.
Ông Đinh Văn Đông cho biết, các loại rau màu khác có thể có thời điểm dội chợ, nhưng hiếm khi bồn bồn rơi vào cảnh được mùa mất giá hoặc không bán được bởi cung chưa đủ cầu.
Ngoài việc cho tôm ăn bằng thức ăn viên, ốc bươu vàng, ông Đông còn có sáng kiến cho tôm càng xanh ăn gạo lức pha trộn với xác dừa khô giúp tôm khỏe mạnh, ít bị bệnh và mau lớn. Tôm càng xanh thả trong ruộng bồn bồn giúp gia đình ông Đông lãi trên 150 triệu đồng mỗi năm. Đó là chưa kể đến nguồn thu cá tạp sau mỗi lần ông nhổ bồn bồn xong rồi tháo nước trên ruộng.
Từ một nông hộ nghèo, khó khăn trên vùng đất nước lợ chua phèn, gia đình ông Đinh Văn Đông đã trở có của ăn của để với loài cây dại bồn bồn, đủ điều kiện cho 3 người con ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định.
Bài viết có sự hỗ trợ của Dự án "Truyền thông và giảm nghèo thông tin".