Điều này thật quá lạ lùng! Thi cử là phép nước, mà để vi phạm xảy ra không chỉ ở một địa phương, khi sau Hà Giang, vụ việc ở Sơn La cũng đã bị khởi tố, cho thấy vi phạm không hề nhỏ lẻ mà đã ở qui mô rất lớn. GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đánh giá đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử thi cử ở nước ta.
Công luận chờ đợi lời xin lỗi của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Chính vì thế, tác động của vụ bê bối này với xã hội là không nhỏ, khi nó tước đi cơ hội học hành của nhiều thí sinh thực tài, đặc biệt, là vụ gian lận này đánh mất lòng tin của người dân, nhất là của các em học sinh, vào sự công bằng xã hội, vào việc thi cử chọn người tài cống hiến cho đất nước. Vụ bê bối này cũng gây hoang mang và làm tổn thương tình yêu nghề của các thầy cô giáo chân chính đã bao năm cống hiến cho một nền giáo dục trong sạch.
Vì thế, nhiều người đã chờ đợi ở người đứng đầu ngành giáo dục lời xin lỗi trước vụ gian lận thi cử lịch sử này. Nhưng thật tiếc, khi trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Giáo dục Đào tạo, trên đài truyền hình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn cho rằng các cán bộ sai phạm ở địa phương phải chịu trách nhiệm, cứ như thể ông vô can trong vụ việc tày đình này.
Tôi đồng ý với TS. Nghiêm Thúy Hằng - một giảng viên đại học của Đại học KHXHNV về việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo “không nói nổi một lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm trong khi trên thực tế ông đang gây ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh "chính phủ kiến tạo" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông còn tuyên bố sẽ đưa ra khỏi ngành các cán bộ vi phạm qui chế thi, lẽ nào ông không biết họ phạm luật hình sự thì họ phải đi tù, làm gì còn cơ hội để ông đưa ra khỏi ngành cho có vẻ là ông làm "nghiêm"?”
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ - Trưởng Ban chỉ đạo họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2018.
Song hành với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh - nơi không chỉ có tới đến 330 bài thi của 114 thí sinh gian lận điểm, mà trong danh sách đó còn có cả con và cháu ruột ông - cũng chẳng những không xin lỗi, mà còn gây “sốc” bằng việc cho rằng Hội đồng thi quốc gia và Bộ Giáo dục Đào tạo phải rút kinh nghiệm, bởi trong quá trình đổi mới giáo dục, cũng phải đổi mới thi cử, nếu không những việc thế này còn nhiều.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang còn chỉ đạo các sở, ban, ngành định hướng tư tưởng cho toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động các cơ quan đơn vị tuyệt đối tin tưởng vào công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; không tham gia bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, không chính thức trên các trang mạng xã hội, đồng thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các nội quy, quy chế phát ngôn, tụ tập phát thông tin sai lệch, trái chiều, không chính thức.
Ôi chao, nghe ông phát ngôn, nghe ông chỉ đạo, cứ như thể ông không phải là người đứng đầu Đảng bộ địa phương này vậy. Trong khi, ai cũng hiểu, là Bí thư Tỉnh ủy, ông Triệu Tài Vinh phải chịu trách nhiệm cao nhất khi vụ gian lận thi cử rúng động dư luận cả nước này xảy ra trên địa bàn Hà Giang. Ông cũng không thể vô can trước sự vi phạm của ngành giáo dục tỉnh, của các cán bộ, đảng viên dưới quyền. Ông càng không thể thoái thác trách nhiệm khi con và cháu ruột ông có tên trong danh sách gian lận điểm thi.
Là Bí thư Tỉnh ủy, lẽ ra hơn ai hết ông phải biết, Quy định số 102 của Bộ Chính trị “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành ngày 15.11.2017 đã nêu rõ đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội.
Vậy mà, cho đến nay, ông Bí thư vẫn không mở lời xin lỗi, cũng có nghĩa là từ chối nhận trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, của người cha, người bác, mà như ông bà ta vẫn thường nói “con dại cái mang”.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.
Lời xin lỗi đồng nghĩa với việc nhận trách nhiệm, mà khó vậy sao ở những người có chức quyền?
Tôi lan man chợt nghĩ, nếu một thành tích nào đó thuộc ngành giáo dục đào tạo hay thuộc tỉnh Hà Giang, liệu trong báo cáo ghi công, ông Bộ trưởng và ông Bí thư Tỉnh ủy có từ chối “vai trò, trách nhiệm chỉ đạo” của người đứng đầu để có thành tích đó?
Nhìn trong “nhà”, ngó ra “ngoài” lại thấy buồn. Năm 2014, chỉ vì 2 câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm tuyển sinh đại học quốc gia có sự nhầm lẫn, mà ông Hwang Woo-Yea - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc, đã phải lên truyền hình xin lỗi người dân, “bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc và nhận ra một nhu cầu cấp bách để cải thiện quá trình ra đề".
Trước đó, năm 2013, ông Igor Fedyukin - Thứ trưởng Bộ Giáo dục của Nga cũng phải từ chức vì để xảy ra vụ lộ đề thi, do Nga có nhiều múi giờ nên kỳ thi toàn quốc không thể thực hiện cùng lúc ở tất cả các khu vực. Vào năm 2012, ông Peerzada Mohmmad Sayeed - Bộ trưởng Giáo dục một bang tự trị của Ấn Độ đã phải từ chức vì bị cáo buộc lợi dụng quyền hạn để giúp con trai gian lận trong một kỳ thi.
Ở xứ người, khi cấp dưới có sai phạm, họ sẵn sàng xin lỗi, nhận trách nhiệm, có phải vì họ tôn trọng nhân dân và nhất là, họ được giáo dục rằng, đó là văn hóa tối thiểu mà các công bộc của dân phải có?