Dân Việt

Chuyện ít biết về cướp biển Đông Nam Á (Kỳ cuối): Nỗi ám ảnh thực sự

Hồng Hạnh 11/08/2018 22:31 GMT+7
Vùng biển châu Á vài năm gần đây đã trở thành địa bàn hoạt động chính của các băng nhóm cướp biển nhằm vào những tàu chở dầu có trị giá đơn hàng lên tới nghìn tỉ USD.

GIAN NAN CUỘC CHIẾN CHỐNG HẢI TẶC

Ông Sengprasert - quản lý của Thai International Tankers - cũng không dám chắc 100% không có “tay trong” trong các vụ cướp biển tấn công tàu chở dầu của công ty. Đặc biệt nhiều chi tiết cụ thể trong vụ cướp xảy ra hồi tháng 5.2014 đã làm dấy lên những lo ngại về phía công ty. Ví dụ sau khi bị tấn công, các thiết bị định vị và liên lạc của tàu đều bị phá hủy, nhưng thuyền trưởng vẫn có cách để tự kết nối thiết bị GPS. Bên cạnh đó, thay vì đỗ vào cảng Malaysia ngay gần đó để báo cáo sự vụ với chính quyền địa phương thì thuyền trưởng lại lái tàu về thẳng cảng Sri Racha ở Thái Lan. Ông Sengprasert cũng cho biết thêm hiện giờ viên thuyền trưởng đó không còn làm việc ở công ty. Ông ta chỉ làm cho Thai International Tankers được gần 2 năm và đã hết hạn hợp đồng.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc thuê nhân viên hợp đồng ngắn hạn, mặc dù bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp tàu vận chuyển song lại khó có thể nắm rõ lai lịch các công ty trung gian, thuyền trưởng cũng như thủy thủ đoàn.

img

Việc thiếu hợp tác giữa các nước trong khu vực cũng khiến cuộc đấu tranh chống cướp biển tại Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn.

“Ngày trước, khi bắt gặp một tàu Nga, bạn sẽ chắc chắn nó thuộc quyền sở hữu của một công ty Nga, do người Nga điều hành và nhân viên Nga làm việc. Nhưng giờ, một chiếc tàu do Nhật Bản làm chủ, có thể gắn cờ Panama và vận hành dưới sự điều khiển của một thuyền trưởng người Indonesia và thủy thủ đoàn Philippines”, Peter Chalk - chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải - giải thích.

Theo như phân tích, chính sự thay đổi trong hệ thống nhân sự đã tạo nên một liên kết không mấy khăng khít giữa các nhân tố trong ngành vận chuyển hàng hải. Ví dụ, một công ty vận chuyển chỉ cần thuê một thuyền trưởng phụ trách tàu, và sau đó thuyền trưởng tự mình có quyền chọn lựa thủy thủ đoàn. Chính vì không tạo rõ mối liên hệ bền chặt cũng như sự trung thành của các thuyền viên cho công ty mẹ, mối quan hệ lỏng lẻo này đã tạo ra nhiều lỗ hổng làm nảy sinh các vấn nạn tham nhũng và trộm cắp.

Chuyên gia phân tích an ninh hàng hải Von Hoesslin đã chứng kiến một vụ việc xảy ra vào mùa thu năm ngoái có sự móc nối giữa thuyền trưởng và những tên cướp biển. Trong lúc điều tra tại Pontianak, Indonesia, ông phát hiện vụ một thuyền máy và thuyền trưởng bán thông tin giao dịch chuyển dầu qua người trung gian cho một tổ chức tội phạm. Với nguồn tin này, băng nhóm cướp biển đó có thể chặn đường, cướp tàu, rút dầu trên khoang và bán lại cho những tiểu thương không có nhiều kinh nghiệm đến từ châu Âu.

img

Một đội tuần tra trên biển kiểm tra chiếc tàu khả nghi.

Để ngăn chặn các phi vụ cướp biển, nhiều tổ chức như Trung tâm Phản ứng Tổng hợp Thông tin của Hải quân Singapore (ISC), Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Khu vực về Chống cướp biển ở châu Á (ReCAAP), Cục hàng hải quốc tế (IMB) - phụ trách theo dõi an ninh hàng hải thế giới... phải tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, tăng cường các buổi hợp tác tuần tra và làm việc với chính quyền khu vực.

Indonesia là quốc gia có 95.000 km đường bờ biển. Tại các cuộc tuần tra, lực lượng an ninh đều dừng ở điểm giao nhau Sapta và ngẫu nhiên kiểm tra 2 đến 5 tàu chở dầu. Lực lượng này cho biết chính sự thiếu hoạt động chia sẻ thông tin cũng như việc hiện hữu các đường ranh giới bờ biển đã hạn chế tính hiệu quả của các buổi tuần tra. Điển hình là các tàu tuần tra không thể truy đuổi tàu khả nghi là cướp biển từ hải phận quốc tế vào hải phận của các nước láng giềng nếu như không có sự cho phép từ trước. Những hạn chế như vậy đã tạo cho các băng nhóm cướp biển cơ hội tẩu thoát.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các đội tuần tra trên biển còn yếu kém. Những chiếc tàu tuần tra nhỏ không thể thực hiện nhiệm vụ đuổi bắt đường dài vì họ thường xuyên phải quay trở về bến cảng khi gặp thời tiết xấu.

Ngoài ra, chính sách giữa các quốc gia cũng là một hạn chế khiến nỗ lực ngăn chặn nạn cướp biển gặp trở ngại. Cả hai nước Malaysia và Indonesia đều không phải là thành viên của ReCAAP. “Malaysia và Indonesia sẵn sàng chia sẻ thông tin, nhưng họ nghi ngại sự nhiệt tình từ phía ReCAAP và Singapore”, ông Hoesslin cho hay.

Về phía Singapore, nước này khẳng định chia sẻ thông tin chỉ là một phần nhỏ trong hướng giải quyết vấn nạn cướp biển. Theo Singapore, muốn chấm dứt thực trạng nhức nhối này trên vùng biển Đông Nam Á, cả Indonesia và Malaysia đều phải giải quyết từ gốc vấn nạn tham nhũng ở địa phương. Với tổ chức bộ máy chính phủ Indonesia theo thể chế phân quyền, các hoạt động tội phạm ở đây mang đặc trưng khu vực. Hầu hết các tài sản kinh tế cũng như tài nguyên thiên nhiên đều thuộc sự quản lý của từng vùng. Chính điều này đã mở đường cho các tệ nạn do chính quyền địa phương gây ra. Giáo sư người Pháp Eric Frécon - tác giả của nguyên cứu về cướp biển Indonesia “Chez les Pirates d’Indonésie” - sau khi thực hiện một loạt phỏng vấn với nguồn tin địa phương tại tỉnh Batam trong suốt 3 năm kết luận những “ông trùm” cướp biển khá có quyền uy tại từng địa phương. Những kẻ này không chỉ đảm bảo cho thuộc hạ được đối đãi tử tế trong tù mà còn mua chuộc quan chức địa phương cho những tên thuộc hạ phải ngồi tù được trả tự do trước thời hạn.