Dân Việt

Bi kịch của nhà báo tố cáo CIA (Kỳ I): Kẻ dám đương đầu

Hà Linh 14/08/2018 21:32 GMT+7
Gary Webb, một nhà báo tài năng và đam mê nghề nghiệp, đã dốc sức điều tra và cho ra đời loạt bài vạch trần “liên minh đen tối” của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mà không thể ngờ rằng tác phẩm này sẽ dẫn đến một bi kịch khiến ông phải từ bỏ sự nghiệp và tự kết liễu cuộc đời mình.

Tháng 8.1996, tạp chí San Jose Mercury News đã đăng loạt bài 3 kỳ có tiêu đề “Liên minh đen tối” của Gary Webb với nội dung vạch trần sự việc nhóm phản động Contras tại Nicaragua được Mỹ hỗ trợ đã tuồn ma túy vào những khu vực nghèo khó của Los Angeles để kiếm tiền mua vũ khí và CIA biết về điều này nhưng vẫn làm ngơ. Webb đã đưa ra kết luận rằng: “Đó là một trong những liên minh kỳ lạ nhất trong lịch sử hiện đại”.

img

Nhà báo Gary Webb.

Ngay lập tức, “Liên minh đen tối” thu hút hàng ngàn độc giả ồ ạt truy cập vào trang mạng của tờ San Jose Mercury News và trở thành một hiện tượng trong thời điểm Internet vẫn ở giai đoạn sơ khai. Chính Webb đã đề xuất đăng bài trên báo mạng khiến San Jose Mercury News trở thành tạp chí tiên phong tại Mỹ ở thời điểm đó chú trọng vào báo điện tử.

Nội dung bài báo của Webb được lan truyền qua Internet, radio, truyền hình và đến tai các chính trị gia. Maxine Waters, một nữ nghị sĩ của khu vực Trung Nam Los Angeles (điểm nóng trong cuộc chiến chống ma túy), đã yêu cầu quốc hội tiến hành điều tra về vai trò của chính phủ trước tình trạng ma túy lan tràn trong cộng đồng khu vực.

Không những vậy, bản thân Webb cũng không thể ngờ rằng loạt bài có thể gây ra sự bất bình lớn, thậm chí dẫn tới nhiều cuộc biểu tình của cộng đồng người da màu tại Los Angeles. Người da màu tức giận bởi theo họ, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Ronald Reagan với khẩu hiệu “Nói không với ma túy” đang làm ngơ trước việc chất gây nghiện thâm nhập lãnh thổ Mỹ dẫn đến tình trạng hàng ngàn thanh niên da màu vào tù bóc lịch do bán cocaine.

Nick Schou, nhà báo làm việc tại tờ OC Weekly đồng thời là người nghiên cứu về trường hợp của Webb, hồi tưởng lại lần đầu tiên trong lịch sử, giám đốc khi đó của CIA, ông John Deutch, đã bay đến Los Angeles để trần tình về cáo buộc này.

img

Hình ảnh minh họa của loạt bài về “Liên minh đen tối” trên trang mạng tờ San Jose Mercury News.

Câu chuyện về loạt bài gắn liền với tên tuổi của Webb trên thực tế đã bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước đó. Vào năm 1979, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandinista đã lật đổ nhà độc tài Nicaragua Anastasio Debayle. Lo sợ việc Nicaragua hình thành liên minh với Cuba và Liên Xô, chính phủ Mỹ khi đó đã quyết định hỗ trợ tài chính và vũ khí cho nhóm đối lập có tên Contras.

Trong một cuốn sách của Robert Kagan, một trong những “kiến trúc sư trưởng” trong chính sách đối ngoại với Mỹ Latinh của Tổng thống Ronald Reagan, có nhắc đến chi tiết rằng khi Mỹ bắt đầu hỗ trợ Contras, lực lượng phiến quân này chỉ có chưa đầy 2.000 người nhưng đến cuối năm 1983 đã tăng lên tới 6.000 tay súng. Có thể nói sự mở rộng này đã khiến nguồn tài chính của Contras trở nên ngày một eo hẹp khiến lực lượng này phải tìm cách xoay xở.

Vào tháng 4.1989, tiểu ban về khủng bố, ma túy và chiến dịch quốc tế của Thượng viện Mỹ do nghị sĩ John Kerry đứng đầu đã tiến hành điều tra gắt gao trong 3 năm và kết luận rằng các quan chức CIA đã nhận thức được các hoạt động buôn lậu của Contras nhưng không hề đề cập tới chi tiết CIA có cố tình “giấu giếm” điều này hay không.

Từ tháng 12.1985, hãng tin AP (Mỹ) đã đưa thông tin cho rằng Contras “buôn lậu ma túy nhằm tăng tài chính cho cuộc nổi dậy của họ ở Nicaragua”. Năm 1986, tờ San Francisco Examiner cũng đưa tin bài với nội dung tương tự nhưng một lần nữa vấn đề này không gây được sự chú ý.

Cũng kể từ thời điểm năm 1985, các phóng viên đã rậm rịch lần theo dấu vết về vai trò của CIA trong việc Contras buôn bán ma túy do ngờ rằng cơ quan này đã cố tình làm ngơ để ma túy tuồn vào Mỹ như một phương tiện hỗ trợ quân nổi dậy ở Nicaragua? Rất nhiều nhà báo đã cố theo đuổi câu chuyện dưới nhiều góc độ nhưng vẫn luôn thiếu các bằng chứng mang tính đột phá.

Phải 10 năm sau đó, khi loạt bài của Webb xuất hiện thì tác động của vụ việc này tới công chúng mới đạt được một tầm vóc mới bởi nhà báo này đã khắc họa được rõ nét hành trình của ma túy sau khi được Contras tuồn vào Mỹ và nguồn tiền thu được sẽ đi đến đâu; bên cạnh đó ông còn tập trung phản ánh được ảnh hưởng của việc này tới cộng đồng người da màu ở Los Angeles.

Tháng 7.1995, trong một mùa hè nóng bức tại Sacramento, Webb nhận được cuộc gọi từ một cô gái khoảng 20 tuổi tự xưng là Coral Baca, muốn Webb điều tra về việc làm thế nào “một người có mối liên hệ với CIA” lại lừa người bạn trai bán lẻ ma túy của cô ta trắng tay.

Webb ban đầu nghĩ rằng Baca mất trí nhưng những tài liệu mật của cô ta đã khiến Webb phải quan tâm. Trong gần 6 tháng sau đó, Webb đã thảo luận với cấp trên của mình là Dawn Garcia và quyết định theo đuổi câu chuyện này. Nhờ Baca, Webb đã thâm nhập được vào đường dây buôn bán ma túy địa phương.

Sau đó, Webb phát hiện ra đầu nậu cung cấp ma túy từ Nicaragua tới Trung Nam Los Angeles là tên Oscar Danilo Blandón, một kẻ ủng hộ Contras. Webb đã đến tận Nicaragua rồi lại lặn lội từ San Francisco đến Miami và ngược lại để lần tìm Blandón. Rồi ông điều tra được Blandón có liên hệ với tay buôn ma túy Ricky Donnell Ross tại Mỹ.

Sau đó, Webb nỗ lực không ngừng nghỉ để điều tra, ông dành hầu hết thời gian mò mẫm trong thư viện bang California tìm các tài liệu của quốc hội, hải quan, FBI và bộ tư pháp… Tất cả đều cho thấy mối liên kết giữa những kẻ buôn ma túy và Contras.

Đến giữa tháng 4, Webb gửi loạt bài 4 kỳ cho các biên tập viên và không thể ngờ rằng bài báo phải mất 4 tháng để xét duyệt. Những biên tập viên đã tranh luận hàng tuần. Họ hoàn chỉnh việc chỉnh sửa và rút gọn thành 3 bài vào ngày 25.7 và lên lịch bài đầu tiên sẽ được đăng vào ngày 18.8.

Theo đó, loạt bài được đăng tập trung vào 3 nhân vật Ricky Ross, Oscar Danilo Blandon và Norwin Meneses (tên buôn ma túy người Nicaragua).

Kỳ đầu tập trung vào Blandon, Meneses và mối liên hệ của hai đối tượng này với Contras đồng thời đưa ra nhận định cơ quan luật pháp đã không thể đưa hai kẻ này ra trước vành móng ngựa do có “ô dù” CIA.

Kỳ hai miêu tả phương thức đường dây ma túy của bộ sậu Blandon, Ross và Meneses. Tiếp đó, kỳ cuối khắc họa ảnh hưởng của việc buôn bán ma túy với cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Los Angeles.