Khỉ trên núi Kỳ Vân, thị trấn Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu ăn túi nilon do du khách vứt lại. Ảnh: Zero Waste Saigon.
Tháng 1, Michael Burdge đưa vợ đi nghỉ tại thị trấn ven biển Hồ Tràm ở Bà Rịa – Vũng Tàu cách TP HCM hơn 100 km về hướng đông nam như món quà Giáng sinh bất ngờ. Thích gần gũi với thiên nhiên, hai vợ chồng dành một buổi leo núi Kỳ Vân, nơi nổi tiếng với thiền viện Phật giáo, được xây dựng từ năm 1990, là nhà của hàng trăm con khỉ núi. Trong khung cảnh núi rừng tĩnh mịch và bình yên, họ ngắm nhìn những con khỉ chơi đùa.
"Bỗng nhiên chúng tôi thấy một con khỉ con còn quấn mẹ đang nhai một chiếc túi nylon. Vợ tôi cố giằng cái túi ra nhưng không được", Michael Burdge kể với VnExpress lúc đó con trai họ mới tròn một tuổi và bản năng làm mẹ trỗi dậy khiến vợ anh phản ứng mạnh.
"Vợ tôi sau đó nói 'Kể cả em giằng được chiếc túi ra, ngày mai chúng ta cũng sẽ không ở đây để tiếp tục làm việc đó. Rồi bọn khỉ sẽ tìm thấy những chiếc túi nylon khác để ăn'". Đó chính là thời điểm Michael Burdge và Julia Mesner Burdge này ra ý tưởng thành lập nhóm "Zero Waste Saigon" (Sài Gòn Không Rác thải) trên mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về rác thải nhựa và thuyết phục doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Michael Burdge (phải) và Julia Mesner Burdge trên một chuyến bay bằng trực thăng ở công viên quốc gia Grand Canyon, bang Arizona, Mỹ năm 2014. Ảnh: Zero Waste Saigon.
Trong khi Burdge là chuyên gia marketing trong lĩnh vực bất động sản, vợ anh là blogger du lịch. Công việc chủ yếu làm việc trên mạng cho phép họ thoải mái di chuyển tới nhiều nơi trên thế giới. Hai vợ chồng từng sống ở Bangkok, Thái Lan hơn một năm. "Hồi ở Bangkok, mỗi lần tôi đi mua thực phẩm, nhân viên siêu thị không chỉ dùng một mà những hai túi nylon để gói đồ cho tôi", Micheal kể và dẫn một nghiên cứu của Bangkok, mỗi ngày thành phố 9 triệu dân này sử dụng tới 600.000 chiếc túi nylon. Dù cảm thấy khó chịu, họ vẫn chưa để tâm lắm cho đến khi chuyển đến Tp HCM vào tháng 8/2017.
"Ở Sài Gòn, ví dụ khi tôi mua café, chủ quán đựng café trong một chiếc cốc nhựa, đậy bằng một chiếc nắp nhựa, kèm một ống hút bằng nhựa bọc màng nhựa rồi bỏ tất cả vào trong một chiếc túi làm từ nhựa. Và có lẽ do việc thu gom rác không được làm tơi nới tới chốn, chúng tôi cảm thấy rác trên hè phố nhiều hơn, rác thải nhựa khắp mọi nơi".
Micheal Burdge sinh ra và lớn lên ở California, một trong những bang sống xanh nhất nước Mỹ, còn vợ anh là người Paris chính gốc. "Ở nơi chúng tôi lớn lên, người ta đã cấm sử dụng túi nylon từ lâu rồi. Do vậy, hai vợ chồng nhìn rõ sự tương phản giữa quê hương mình và Sài Gòn".
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP HCM hiện trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nylon, mỗi năm con số rác thải nhựa lên đến 250.000 tấn, trong đó khoảng 20% được chôn tại các bãi chôn lấp còn lại hơn 80% được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì môi trường Ocean Conservancy năm 2015 đánh giá 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển hàng năm, tương đương 8-9 triệu tấn, là rác thải nhựa. Nghĩa là cứ mỗi phút lượng rác thải nhựa đổ ra biển bằng dung tích chuyên chở của một chiếc xe tải thu gom rác cỡ lớn. Và Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất. Theo tổ chức này, khi kinh tế tăng trưởng, người dân tiêu dùng nhiều hơn nhưng hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt không phát triển kịp dẫn đến tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường.
Theo các nhà khoa học, mất hơn 500 năm, một chiếc túi nylon mới bị hoàn toàn phân hủy trong đất. Tuy nhiên, túi nylon được sản xuất bằng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ, các chất phụ gia như chất hóa dẻo, kim loại nặng và phẩm màu, khi phân hủy sẽ thôi nhiễm các chất độc này vào đất và tiếp tục gây ô nhiễm.
Ông bà Tây bán ống hút
Michael Burdge giới thiệu chiếc ống hút làm bằng tre khắc dòng chữ "Tôi yêu Việt Nam" và "Zero Waste Saigon". Ảnh: Hạnh Phạm.
Chỉ chưa đầy một tháng sau khi ra đời, trang Zero Waste Saigon đã thu hút hơn 1.000 người trên mạng xã hội. Hiện dự án nhỏ của vợ chồng Burdge có hơn 5.000 người tham gia. "Tất cả mọi người đều cảm thấy như vậy là quá đủ", Burdge cho biết những người ủng hộ Zero Waste Saigon đều nhận thấy vấn nạn rác thải nhựa ở TP HCM đã ở mức nghiêm trọng.
Burdge và vợ bắt đầu bằng cách giới thiệu ra công chúng các loại ống hút làm bằng inox, thủy tinh và tre. "Ống hút không chiếm lượng lớn rác thải nhựa nhưng đây là thứ chúng ta có thể dễ dàng từ bỏ nhất", Burdge giải thích lý do tại sao họ chọn ống hút là sản phẩm đầu tiên. Trong một video quay cùng con trai hai tuổi, Burdge kêu gọi mọi người mỗi khi gọi món ăn ngoài hàng, hãy nói một câu đơn giản với nhân viên phục vụ: "Tôi không cần ống hút nhựa".
Burdge dẫn kết quả một cuộc khảo sát ở Singapore cho thấy 60% số người được hỏi nói không cần ống hút nhưng vẫn dùng theo quán tính vì nhà hàng tự động mang ra. "Chỉ cần 60% này chủ động nói 'không' khi đi ăn hàng, chúng ta đã có thể cắt giảm một lượng đáng kể ống hút nhựa". Anh tin rằng mọi hành động dù nhỏ nhất đều có ảnh hưởng.
Burdge đặt trên bàn tất cả các mẫu ống hút thân thiện môi trường, giới thiệu từng chiếc cho phóng viên. Chưa kịp nói dứt lời, người đàn ông Mỹ dáng cao gầy với mái tóc xoăn màu hạt dẻ rảo bước nhanh về phía tủ lạnh và cầm ra một bó bọc trong lá chuối màu xanh. "Nhưng đây mới là loại ống hút của tương lai", anh hồ hởi nói về ống hút làm từ cỏ.
Ngoài ưu điểm lớn nhất là dùng một lần, ống hút làm từ cỏ được trồng rộng rãi và thu hoạch dễ dàng, có thể bảo quản trong tủ lạnh tới ba tuần. Tuy nhiên, với giá thành 500 đồng mỗi chiếc, loại ống hút này hiện mới chỉ phổ biến trong các nhà hàng và các quán bar cao cấp ở Tp HCM. "Một ly cocktail có giá 200.000 đồng thì một chiếc ống hút 500 đồng chẳng đáng là bao, phải không?"
Tại nhà riêng, hai vợ chồng Burdge bận rộn xếp đồ chuyển cho khách hàng (trái) và cậu con trai Sebastien Miles (phải, dưới) chụp cùng các sản phẩm của Zero Waste Saigon. Ảnh: Hạnh Phạm.
Trong căn hộ chung cư nhỏ xinh ở quận 4, hai vợ chồng biến phòng ngủ thành kho chứa hàng, tận dụng các ngăn kéo tủ quần áo đựng các loại sản phẩm thân thiện môi trường từ ống hút, túi đi chợ dùng nhiều lần, cốc giấy và hộp đựng thức ăn làm từ bã mía cho đến quai xách bình nước đan từ len.
Bằng một phép tính đơn giản, ai cũng có thể đoán, Burdge và vợ khó hòa vốn, chứ đừng nói tới có lãi, từ việc kinh doanh những sản phẩm này. "Đúng, chúng tôi đang chịu lỗ", Burdge không ngần ngại thừa nhận và giải thích thêm rằng hai vợ chồng thường xuyên đến các trường học để thuyết trình về bảo vệ môi trường và trong những dịp như thế, họ phát miễn phí rất nhiều sản phẩm.
"May mắn, chúng tôi vẫn có hơn 10 căn hộ ở Paris để làm dịch vụ cho thuê trên trang Airbnb nên không bị sức ép về tài chính", Burdge chia sẻ thêm anh đã nộp hồ sơ xin tài trợ lên Tổng lãnh sự quán Mỹ và National Geographic nhằm triển khai nhiều dự án cộng đồng. Anh tiết lộ tháng 11 tới, hai vợ chồng mời nghệ sĩ sắp đặt nổi tiếng Von Wong đến Việt Nam thực hiện dự án kéo dài hai tuần nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về rác thải từ nhựa.
Tuy vậy, vợ chồng Burdge không đơn giản là "hai ông bà Tây bán ống hút thân thiện môi trường". Theo Burdge, họ là những người có khả năng phát hiện ra vấn đề và tình cờ có cả kỹ năng để giải quyết vấn đề. "Chúng tôi chọn sống ở Sài Gòn vì thành phố này đang trong giai đoạn phát triển sôi động. Bây giờ chính là thời điểm xảy ra những thay đổi giúp hình thành nên tương lai của Sài Gòn. Và chúng tôi muốn là một phần trong đó", Burdge nói.
"Những con sóng nhỏ"
Một nhà hàng ở Tp HCM sử dụng ống hút làm từ cỏ do Zero Waste cung cấp. Ảnh: Zero Waste Saigon.
Kevin Bui, sau hơn 10 năm học tập và làm việc ở Mỹ, quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp. Vào TP HCM năm 2016 để mở cửa hàng pizza đầu tiên, chỉ sau hai năm, hiện anh đã là chủ của một chuỗi ba nhà hàng. Chàng trai 28 tuổi nhớ lại ngày khai trương quán thứ hai tại khu trung tâm quận 1.
Do mặt bằng nhỏ, Pizza Pub chỉ chuyên phục vụ khách mang về. Với một số ít khách ăn tại chỗ, nhân viên phục vụ trên đĩa nhựa. Khi thấy chiếc bánh pizza thơm phức được bưng ra trên một chiếc đĩa nhựa, Julia Mesner Burdge đã nghĩ ra một ý tưởng "điên rồ", đề nghị Kevin chạy đi mua lá chuối về lót thay đĩa nhựa.
"Ban đầu không ai tin ý tưởng này sẽ thành công", Kevin nhận xét sau hai tháng áp dụng, "khoảng 20% khách hàng tò mò hỏi câu chuyện đằng sau còn 80% không bận tâm". Anh cho biết mỗi tháng nhà hàng mất khoảng 100.000 đồng chi phí mua lá chuối so với 30.000 đồng trước kia bỏ ra mua đĩa nhựa. "Chênh lệch chỉ có 70.000 đồng mà không kham nổi thì làm ăn gì nữa", ông chủ với khuôn mặt trẻ thơ bông đùa.
Sau đó, tại hai nhà hàng còn lại chủ yếu phục vụ khách ăn tại chỗ, Kevin thay tất cả ống hút nhựa bằng ống hút inox. "Tất nhiên nhiều khách hàng băn khoăn về độ sạch sẽ. Mỗi lần như vậy tôi đều bảo nhân viên nhẫn nại giải thích rằng cuối ngày chúng tôi vệ sinh bằng cách luộc ống hút trong nước sôi 30 phút rồi đem phơi khô".
Tuy mất công sức và thời gian hơn nhưng cái được mà Kevin thấy ngay là nhà hàng thu hút được một đối tượng khách hàng mới là những người quan tâm đến môi trường. "Giá trị thương hiệu không phải lúc nào dùng tiền cũng mua được", Kevin nhấn mạnh.
Các chủ doanh nghiệp kinh doanh đồ ăn và đồ uống như Kevin chính là đối tượng mà hai vợ chồng Burdge nhắm tới. "Tôi tin rằng nếu thay đổi nhận thức của một người, anh có thể giảm một lượng nhỏ rác thải nhựa nhưng nếu anh có thể thay đổi nhận thức của một chủ nhà hàng, anh có thể giảm được rất nhiều".
Là những người kinh doanh lâu năm, hai vợ chồng hiểu rằng các nhà hàng và quán café sẽ không thay đổi nếu họ không bị ép phải thay đổi. Và người ép được họ, không ai khác chính là khách hàng. "Áp dụng các giải pháp kinh doanh thân thiện với môi trường không phải là ưu tiên chính của các nhà hàng, quán ăn. Ưu tiên của họ là tồn tại trên thương trường. Họ sẽ không mạo hiểm ném tiền vào một thứ mà khách hàng không quan tâm", anh Burdge thực tế.
Chính vì vậy hai vợ chồng Burdge nhiệt tình quảng bá cho những doanh nghiệp thân thiện với môi trường trên trang xã hội để hàng nghìn người ủng hộ Zero Waste Saigon biết đến.
Quán Bụi, một chuỗi nhà hàng Việt nổi tiếng ở TP HCM, cũng là một đối tác lớn của Zero Waste Saigon. Việc phát triển nhanh, hiện lên tới 5 nhà hàng, khiến ban giám đốc "đau đầu xử lý lượng rác thải độc hại", Mai Vũ, quản lý nhà hàng, cho biết. Hiện toàn bộ cốc, đĩa nhựa đựng đồ ăn mang về đã được thay thế bằng loại làm từ giấy với chất lượng cao. "Túi mang về chúng tôi cũng sử dụng túi vải không dệt, mỗi chiếc túi như vậy có giá tới 7.000 đồng, nghĩa là tổng chi phí đóng gói một phần ăn mang về đã chiếm tới 10% giá trị thanh toán", quản lý nhà hàng nói.
Ống hút cũng là một bài toán nan giải với quán. Sau nhiều thử nghiệm với ống hút tre, ống hút sả và ống hút inox, mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng, quán tìm đến ống hút cỏ do Zero Waste Saigon cung cấp. "Thay đổi nào cũng khó khăn, nhất là thay đổi những thói quen mà chúng ta chưa nhìn thấy tác hại trước mắt. Chúng tôi muốn là những người tiên phong tạo ra thay đổi đó", Mai Vũ nói.
Pizza Pub và Quán Bụi chỉ là hai trong số hơn 50 doanh nghiệp trở thành đối tác của Zero Waste Saigon. "Chúng tôi mới chỉ đi những bước đi đầu tiên. Còn rất nhiều việc cần làm. Nhưng ơn Trời, chúng tôi không phải là những người duy nhất ở Sài Gòn đang làm những việc tốt, những việc có ích", Burdge nói.
"Tôi mơ về một ngày mà con trai tôi sẽ hỏi 'Ống hút nhựa là gì cơ?' giống như hiện bọn trẻ không biết chiếc máy đánh chữ hình thù ra sao. Nếu ngày đó đến, nghĩa là chúng ta đã thành công", anh tỏ ra lạc quan.