Dân Việt

Phát hiện bộ sưu tập người “man rợ” của phát xít Đức

Anh Tiếu 01/08/2018 21:32 GMT+7
Bị quên lãng sau khi phần lớn các mẫu vật trong bộ sưu tập người man rợ của giáo sư giải phẫu phát xít Đức August Hirt được mai táng sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, mới đây một số mảnh còn sót lại đã được phát hiện tại Pháp.

img

Giáo sư August Hirt. Ảnh: wikipedia

Giáo sư Hirt, người đứng đầu của Viện Pháp y thành phố Strasbourg (Pháp) trong thời điểm Đức chiếm phía đông thành phố này, đã sưu tập thi thể của 86 nạn nhân chết do khí độc vào tháng 8.1943 tại trại tập trung Natzweiler-Struthof.

Công việc sưu tập rùng rợn này được thực hiện nhằm cung cấp bằng chứng cho thuyết chủng tộc được Viện Ahnenerbe của Đức tuyên truyền. Người Do Thái chiếm phần lớn số nạn nhân trong bộ sưu tập thi thể người của giáo sư Hirt bên cạnh những người Ba Lan và người châu Á với nguồn gốc gây tranh cãi.

Sau khi thành phố Strasbourg được quân Đồng minh giải phóng vào tháng 11.1944, những thi thể được bảo quản trong thùng chứa cồn chưng cất được tìm thấy trong phòng thí nghiệm của giáo sư Hirt. Sau khi được khám nghiệm, những thi thể này được mang chôn cất trong một ngôi mộ chung tại một nghĩa trang Do Thái năm 1946.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP ngày 18.7, sử gia Raphael Toledano ngày 9.7 đã phát hiện ra một số mẫu vật trong bộ sưu tập cơ thể người vẫn còn hiện diện tại Viện Y học Pháp y. Ông tìm thấy nhiều bộ phận cơ thể, với bình thủy tinh chứa nhiều mảng da và bình thí nghiệm chứa ruột và dạ dày của một nạn nhân.

Tuyên bố về việc phát hiện ra các mẫu vật cho hay “các nhãn dán định danh chính xác các mẫu vật và đề cập số đăng kí 107969, phù hợp với con số được xăm tại trại Auschwitz trên cánh tay của Menachem Taffel, 1 trong 86 nạn nhân”.

Tuy nhiên, các bộ phận cơ thể mới được tìm thấy không được giáo sư Hirt bảo quản. Người làm việc này là giáo sư pháp y Camille Simonin của khoa y tế thành phố Strasbourg, người vào thời điểm đó đang điều tra tội của Hirt. Những  bộ phận này được thu thập khi giải phẫu trong lúc xác minh nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân.

Sử gia Toledano, đồng tác giả một bộ phim tài liệu về tội ác của Hirt, có manh mối về vị trí của các mảnh thi thể từ một trong những lá thư của giáo sư Simonin viết năm 1952. Những phần thi thể mới được phát hiện đang được trao trả cho cộng đồng Do Thái Strasbourg và sẽ được mai táng để an nghỉ cùng những nạn nhân còn lại tại nghĩa trang Cronebourg.

Ngoài 86 người bị giết để trở thành mẫu vật trưng bày, còn có nhiều tù nhân khác trở thành nạn nhân dưới tay giáo sư Đức quốc xã. Khoảng 150 người trở thành vật thí nghiệm vũ khí hóa học, với 7 hay 8 người được lưu hồ sơ chết trong lúc thử nghiệm.

Hirt trốn thoát lực lượng Đồng minh, chạy đến miền nam Đức. Tháng 6.1945, hắn tự sát để tránh bị bắt và xét xử vì tội ác chiến tranh.