Hai bố con bị cáo tại phiên tòa.
Tình cũ gây rối
Tiến và chị Nguyễn Thị Nga (SN 1998, ngụ cùng xã) từng có thời gian yêu nhau. Tuy nhiên, “tình yêu bọ xít” chỉ kéo dài vài tháng do mâu thuẫn.
Theo lời cô gái, hôm xảy ra sự việc, Nga cùng nhóm bạn đi uống nước về, khoảng 10h khi Nga đạp xe qua nhà Tiến thì người yêu cũ xuất hiện, ép xuống xe rồi kéo vào phòng ngủ. Khi Nga bị kéo vào buồng, trong nhà Tiến có rất nhiều người thân gồm mẹ, anh chị em ngồi xem vô tuyến.
Nghe kể Nga bị người yêu cũ ép vào nhà, Đoàn Tiến Tùng (SN 1999, ngụ xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, bạn trai của Nga) lập tức chạy đến “giải cứu”. Tùng chạy vào nhà kéo Tiến ra phòng khách, hai bên giằng co.
Sau khi Tiến vùng bỏ chạy vào phòng ngủ, Tùng cầm bình đựng nước bằng thủy tinh đập vỡ kính mặt bàn, sau đó dùng bình nước ném nhưng không không trúng Tiến mà trúng vô tuyến. Giữa Tùng và mẹ con Tiến tiếp tục giằng co. Lúc này chủ nhà hô lớn “cướp, cướp”.
Nghe tiếng tri hô, nhiều người thân khác của Tiến chạy vào. Thấy đồ đạc rơi vỡ, ông Nguyễn Qúy Tập (SN 1967) chạy xuống bếp lấy con dao và chiếc thuổng làm bằng sắt chạy ra sân.
Tùng đứng ở góc sân, ông Tập cầm thuổng chạy lại nhưng được con rể can ngăn làm rơi chiếc thuổng. Nhưng ông này tiếp tục cầm dao tiến về phía Tùng nói: “Mày đến nhà tao cướp à”.
Tùng sợ bỏ chạy ra cổng nói vọng vào “cháu không vào cướp gì cả” nhưng ông Tập vẫn lao đến tấn công. Thấy bạn trai bị yếu thế, Nga chạy vào can ngăn nhưng bị Tiến kéo ra. Tùng đã trọng thương khụy ngã, lại bị Tiến chạy đá và lấy ghế đập vào đầu dẫn đến mất máu, tử vong trên đường đi cấp cứu.
Biện minh trước tòa
Tại tòa, bị cáo Tập khai khi nghe tiếng vợ tri hô “cướp” đã chạy từ nhà hàng xóm về, thấy đồ đạc tan hoang nên chạy xuống bếp cầm dao và thuổng với mục đích “xua đuổi” Tùng.
Bị cáo khai: “Lúc này Tùng tiến đến phía bị cáo, hai bên giằng co. Bị cáo cầm dao tay trái chống đỡ theo phản xạ khua từ dưới lên. Ban đầu bị cáo chỉ muốn can ngăn, xua đuổi kẻ đến đập phá nhà mình”.
Lời khai trên không được vị chủ tọa đồng tình: “Nếu con dao đưa lên thì không đúng với vết thương mà bị cáo gây ra. Bị cáo có nhận thức được hành vi đó sẽ dẫn đến hậu quả chết người không?”. Bị cáo im lặng.
Các nhân chứng là bạn Nga cho biết quá trình đi uống nước về thì gặp Tiến đi theo. Thấy Nga bị người yêu cũ lôi khỏi xe, kéo về nhà, cả nhóm đuổi theo nhưng không kịp. Một nhân chứng kể: “Tôi nhìn thấy anh Tiến hùng hổ với bạn nên rất lo lắng. Trước đây Tiến và Nga từng có tình cảm, thời điểm xảy ra sự việc cả hai đã chia tay. Theo tôi, việc Tùng đến cứu Nga cũng là chuyện thường tình”.
Nhân chứng có mặt tại hiện trường là thành viên trong gia đình bị cáo khai: quá trình ông Tập tấn công bị hại, không ai biết cho đến khi Tùng ngã xuống. Khi thấy Tiến và Nga, người nhà cũng không để ý do trước đây có vài lần đôi trẻ dẫn nhau vào phòng. Liền sau đó, Tùng chạy vào túm áo kéo Tiến ra rồi hai người xô xát.
Mẹ bị cáo Tiến cho biết giữa con trai và Tùng đã có mâu thuẫn từ trước. Tùng đã nhiều lần đến nhà bà quấy phá. Gia đình bà đã báo công an hai lần. Bà kể: “Tôi từng hỏi nguyên nhân vì sao con lại bị Tùng đánh. Nó trả lời có lần đi qua quán nước thì gặp nhóm cậu kia rồi bị nói “nhìn đểu”.
Từ đó nó với Tùng thường xuyên mâu thuẫn. Cậu ta còn mang dao đến nhà tôi nhiều lần. Một tháng trước, công an hòa giải, con tôi đã xin lỗi nó rồi”, mẹ bị cáo Tiến nói.
Tại tòa, biện minh cho việc kéo “người yêu cũ” về nhà, Tiến cho rằng Nga bỏ quên thỏi son ở nhà mình nên đưa vào phòng lấy. Trước đó, hai người chỉ giận hờn nhau. Sau đó, bị cáo không biết Tùng ở đâu chạy đến kéo Nga đi. Thái độ của “vị khách không mời” rất hung hăng.
Bi kịch người mẹ đơn thân
Lời khai của bố con Tiến không được nhân chứng đồng tình. Nga cho biết thời điểm xảy ra sự việc đã chấm dứt quan hệ với Tiến. Tối hôm đó, khi Nga đi uống nước về thì gặp Tiến và bị anh này lôi về nhà. Cô kháng cự nhưng vẫn bị kéo đi, thậm chí bế đi. Nữ nhân chứng khẳng định không có chuyện bỏ quên thỏi son ở nhà bạn trai cũ.
Theo Nga, khi bị bạn trai cũ lôi vào đến cửa phòng ngủ thì cô chạy ra và được Tùng đưa đi. Lúc này, Tiến tiếp tục kéo tay Nga lại thì hai người xảy ra xô xát. Mẹ Tiến khuyên hai người không đánh nhau.
Một nhân chứng khác nói, Tùng bị ông Tập đuổi đã chạy ra ngoài sân nhưng vì cổng khóa nên không thoát được.
Đại diện VKS nhận định bị cáo Tập dùng hung khí là dao nhọn gây thương tích, Tiến không can ngăn mà dùng chân đạp và ghế gỗ đánh bị hại. Tuy nhiên, việc bị hại xông vào nhà trước và đập phá đồ đạc nên hai bị cáo hành động trong tình trạng bị kích động. Bị cáo Tập trực tiếp gây ra cái chết cho bị hại, Tiến với vai trò đồng phạm giúp sức.
Luật sư bào chữa cho hai bị cáo cho rằng bị cáo Tập dùng dao là phòng vệ. Theo ý thức chủ quan khi bị cáo về thấy đồ đạc bị đập phá, tiền rơi ra ngoài nên tức giận. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Còn Tiến có vai trò mờ nhạt và lâm vào tình trạng bị động. Được nói lời sau cùng, bị cáo Tiến xin lỗi gia đình bị hại và xin mức án thấp nhất cho bố mình.
Trong giờ nghị án, mẹ bị hại tóc điểm bạc rơm rớm nước mắt rồi chậm chạp đi ra ngoài hành lang. Bà bị nặng tai, người đối diện phải nói lớn mới nghe thấy. Tùng là con trai duy nhất của bà.
Cuộc sống chân lấm tay bùn với hai sào ruộng chỉ đủ nuôi thân, bà không lấy chồng nhưng sinh ra Tùng. Cậu con trai trở thành chỗ bấu víu duy nhất của bà. Học hết lớp 7, Tùng nghỉ ở nhà đi làm phông bạt nuôi mẹ và bà ngoại đã 80 tuổi.
“Nó lớn rồi nhưng nhát lắm. Năm ngoái ông ngoại mất mà nó sợ chỉ đòi ngủ với mẹ thôi. Nó làm sao dám đi đập phá đồ đạc nhà người ta. Tối hôm đó, tôi đang ngủ thì nghe bạn Tùng gọi điện việc nó bị đâm. Nghe nói người ta giết con tôi xong còn không cho đi cấp cứu mà giữ lại trong nhà”, mẹ bị hại xót xa.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy hành vi của hai bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm đến tính mạng công dân được luật pháp bảo vệ, gây mất trật tự trị an nên đã tuyên bị cáo Tập 13 năm tù, bị cáo Tiến 8 năm tù về tội giết người.
Tên nhân chứng đã được thay đổi.