Ông Minh cho biết, hiện mỗi ngày Con Cưng có khoảng 100.000 đơn hàng, chuyển từ nhà cung cấp đến tổng kho của Con Cưng và chuyển tiếp đến 350 siêu thị. Đây không phải là hàng thay đổi nhãn mác.
PV: Tại sao sản phẩm CF là thương hiệu Việt nhưng lại sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài?
- Ông Nguyễn Quốc Minh: Con Cưng có 2 hình thức gồm sản xuất trong nước và gia công. Con Cưng tập trung vào làm thương hiệu Việt. Đây là hình thức hợp tác gia công. Trong ngành hàng thời trang CF, có 70% sản phẩm sản xuất trong nước, 30% còn lại sản xuất ở nước ngoài. Con Cưng ưu tiên chọn nhà sản xuất Thái Lan vì khoảng cách địa lý gần, chất lượng hợp lý và giá cả phù hợp với người Việt Nam.
PV: Vậy thì có sự chênh lệch về giá giữa hàng hóa mang thương hiệu CF sản xuất trong nước và nước ngoài không, thưa ôgn?
- Ông Nguyễn Quốc Minh: Con Cưng ưu tiên sản xuất nhiều nhất có thể tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì quy mô thị trường, nguồn nguyên liệu… có nhiều sản phẩm Việt Nam không sản xuất được, vì đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, buộc Con Cưng phải lấy hàng từ nhà cung cấp Thái Lan. Do đó, giá các mặt hàng sản xuất tại Thái Lan cao hơn vì kỹ thuật sản xuất tinh vi hơn.
PV: Ông giải thích như thế nào về việc treo thưởng 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện Con Cưng bán hàng không phải nhập khẩu chính hãng?
Ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Con Cưng (áo đen, góc phải).
- Ông Nguyễn Quốc Minh: Con Cưng cam kết nguồn gốc của sản phẩm, do đó việc thưởng 1 tỷ đồng này là thể hiện cam kết của mình đối với các sản phẩm bán tại cửa hàng của doanh nghiệp. Người tiêu dùng có thể liên lạc trực tiếp với nhà cung cấp, lên website của nhà cung cấp… để đặt câu hỏi về việc đặt hàng giữa Con Cưng với họ. Nếu các doanh nghiệp đó trả lời rằng, Con Cưng không hợp tác với họ thì khách hàng đã có thể đến để lãnh 1 tỷ đồng rồi.
PV: Những lùm xùm về nghi vấn thay đổi nhãn mác những ngày qua đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Con Cưng?
- Ông Nguyễn Quốc Minh: Thứ nhất là ảnh hưởng về doanh số, tiếp đó là ảnh hưởng về niềm tin của khách hàng. Hiện Con Cưng có 10.000 sản phẩm và để chứng minh nguồn gốc của từng sản phẩm là điều rất khó khăn. Do đó, phải chờ kết luận của cơ quan chức năng đang làm việc với Con Cưng.
Con Cưng cũng có kiểm toán quốc tế, là một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. Hai bên đã cùng đồng hành làm việc với nhau trong những năm qua. Do đó, giấy tờ chứng từ của Con Cưng chắc chắn là đã được kiểm toán.
PV: Cơ quan chức năng đã thu hồi 6.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, Con Cưng có khởi kiện đối tác cung cấp hàng hóa cho mình?
- Ông Nguyễn Quốc Minh: Vấn đề này thuộc về lĩnh vực văn hóa doanh nghiệp của Con Cưng, là đồng hành và đặt niềm tin vào đối tác. Cụ thể, trong trường hợp này, đối tác của Con Cưng là đối tác lớn, có uy tín tại Thái Lan, cung cấp cho Con Cưng những sản phẩm chất lượng trong 2 năm qua.
Cũng như bất kỳ công ty nào, lỗi trong ngành may mặc là không thể tránh khỏi và có thể xảy ra. Khi phát hiện sai sót, Con Cưng đã lập tức thu hồi toàn bộ sản phẩm, dù việc này ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Con Cưng sẽ làm việc với đối tác Thái Lan để gửi trả lại đơn hàng. Văn hóa doanh nghiệp của Con Cưng là khi bạn mắc sai lầm, chúng ta cùng nhau sửa lỗi. Tuy nhiên, trước khách hàng, Con Cưng là người chịu trách nhiệm cuối cùng nên Con Cưng phải chịu trách nhiệm.
Chiều nay 30.7, đoàn kiểm tra liên ngành đang làm việc với Con Cưng tại trụ sở của doanh nghiệp này.
PV: Nếu trong các chứng nhận sản phẩm mà đối tác cung cấp cho Con Cưng có dấu hiệu giả mạo, doanh nghiệp sẽ xử lý như thế nào?
- Ông Nguyễn Quốc Minh: Con Cưng có nguyên tắc mua bán sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, đây là việc làm rõ ràng, có hợp đồng làm việc với đối tác và đối tác có trách nhiệm làm đúng những gì đã cam kết giữa hai bên. Nếu đối tác làm khác đi thì đối tác đó phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng.
PV: Hiện cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, Con Cưng giải thích như thế nào về việc này?
- Ông Nguyễn Quốc Minh: Phải phân biệt vi phạm nhãn mác, xuất xứ hoặc là những sai sót cố tình. Con Cưng kinh doanh 10.000 sản phẩm, hàng ngày các nhân viên bán hàng, xử lý hàng đều làm việc cật lực. Các tem nhãn hàng hóa hiện dán bằng keo, nếu hàng hóa để trong 1 tuần, 1 tháng, keo dán có thể bị bóc ra, làm rơi rớt nhãn mác. Nếu rớt tem trong trường hợp này thì Con Cưng không cố tình vi phạm về nhãn mác.
PV: Trong ngày kiểm tra các cửa hàng, lực lượng kiểm tra xác định có rất nhiều hàng hóa mập mờ về xuất xứ hàng hóa, không đưa tên nhà sản xuất. Con Cưng giải thích vấn đề này như thế nào?
- Ông Nguyễn Quốc Minh: Chuyện này cần làm việc với những con số cụ thể, “nhiều” ở đây là một hoặc hai sản phẩm? Còn về mã vạch dán trên sản phẩm, khi Con Cưng có 10.000 sản phẩm thì phải có 10.000 mã sản phẩm khác nhau, Con Cưng phải xây dựng phần mềm quản lý tập trung và có phần mềm quản lý mã riêng. Khi đó, Con Cưng in mã vạch quản lý nội bộ của Con Cưng lên sản phẩm để kiểm đếm và đánh giá tồn kho tại các siêu thị. Đây là mã quản lý nội bộ, không phải mã vạch quốc tế.