Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung nổi lên như một vấn đề nóng trong năm 2018, với sự kiện đầu tiên thu hút sự chú ý của giới phân tích liên quan đến việc Chính Phủ Mỹ quyết định áp dụng thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia. Song động thái từ phía Chính phủ Mỹ dường như không tác động đáng kể đến các nhà sản xuất thép lớn của Việt Nam, trong đó có Hòa Phát.
Hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận năm
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 với kết quả kinh doanh khả quan với 27.595 tỷ đồng doanh thu và 4.425 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 30% và 27% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Hòa Phát đã hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong đó, riêng Quý II.2018, doanh thu của Tập đoàn đạt 14.430 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 34% và 43% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm ngành thép duy trì sản lượng bán hàng ở mức cao, ổn định chính là động lực tăng trưởng của Hòa Phát thời gian qua.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT vẫn đạt 2.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II.2018, tăng trưởng 43% so với cùng kỳ (Ảnh minh họa)
Kết thúc 6 tháng đầu năm, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng xấp xỉ 1,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khả quan khi đặt trong bối cảnh Tập đoàn dừng lò cao số 2 để bảo dưỡng, thay thế thiết bị suốt hai tháng. Thị phần thép Hòa Phát duy trì vị trí số 1 với 22,2%. Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ chính, theo hướng tăng dần sản lượng khu vực phía Nam trong cơ cấu sản lượng bán hàng.
Mặt hàng thép cuộn rút dây chất lượng cao đã liên tiếp nhận được đơn đặt hàng ở trong và ngoài nước với khối lượng ngày càng lớn. Sau 6 tháng, tổng cộng đã có 116.000 tấn thép cuộn rút dây của Hòa Phát được tiêu thụ, trong đó có 58.000 tấn xuất khẩu đi các thị trường Úc, Nhật Bản, Malaysia, Philipines, chiếm hơn nửa sản lượng xuất khẩu của thép Hòa Phát ra thị trường quốc tế.
Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cho ra thị trường 314.200 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng trưởng tới trên 60%, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 triệu USD. Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát đã quyết định đầu tư thêm dây chuyền sản xuất ống thép cỡ đại lên đến 325mm, dự kiến chính thức ra sản phẩm mới vào đầu năm 2019. Đây là dự án sản xuất ống thép cỡ đại đầu tiên, duy nhất tại khu vực phía Bắc, góp phần khẳng định vị thế số 1 Việt Nam của Ống thép Hòa Phát.
Dù mới ra mắt trong Quý II vừa qua, tôn mạ màu chất lượng cao của Hòa Phát đã nhanh chóng được thị trường đón nhận tích cực. Dự kiến trong năm 2018, Hòa Phát sẽ cho ra thị trường khoảng 200.000 tấn tôn mạ màu, tôn mạ lạnh, tức 50% công suất thiết kế. Nhóm sản phẩm công nghiệp khác như thiết bị phụ tùng, nội thất, điện lạnh, hoạt động ổn định và đóng góp khoảng 6% doanh thu của Tập đoàn.
Toàn cảnh dự án Mandarin Garden 2
Trong lĩnh vực bất động sản, Hòa Phát đã hoàn thành dự án Mandarin Garden 2, đang bàn giao thô căn hộ cho khách hàng tự hoàn thiện nội thất, đồng thời tích cực hoàn thiện dự án chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội nhằm bàn giao căn hộ cho khách hàng vào cuối năm nay. Điểm sáng trong mảng bất động sản 6 tháng qua chính là cho thuê hạ tầng khu công nghiệp với doanh thu, lợi thuận khả quan nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Năm 2018, Hòa Phát đặt mục tiêu 55.000 tỷ đồng doanh thu và 8.050 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đồng thời, HPG đang đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành toàn bộ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất quy mô 4 triệu tấn/năm vào cuối năm 2019, trong đó dây chuyền cán thép đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động ngay trong tháng 8/2018, góp phần cán đích 2,3 triệu tấn thép xây dựng trong năm nay.
Dù vậy, kết thúc phiên giao dịch ngày 30.7, giá cổ phiếu HPG giảm nhẹ xuống 37.050 đồng/cổ phiếu, sau mấy phiên tăng liên tiếp.
Nỗi lo từ làn sóng bảo hộ mậu dịch toàn cầu
Theo Hiệp hội thép thế giới (World Steel Association), tổng sản lượng thép nhập khẩu của Mỹ đạt 35,4 triệu tấn, chỉ chiếm 7% tổng sản lượng thép nhập khẩu toàn cầu trong năm 2017.
Đối với Việt Nam, theo một báo cáo của SSI Research, dù sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng nhanh trong những năm gần đây. Song thị trường này chỉ chiếm 11% tổng sản lượng xuất khẩu thép trong năm 2017 và tăng nhẹ lên 15% trong quý I.2018. Mặt khác, Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN vẫn là thị trường thép lớn nhất đối với Việt Nam, chiếm 59% và 58% tổng sản lượng xuất khẩu thép trong năm 2017 và 2018.
Một góc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (Ảnh: I.T)
Tuy nhiên, phía SSI Research vẫn lo ngại về khả năng việc Mỹ áp thuế lần này có thể gây nên làn sóng bảo hộ mậu dịch trên toàn cầu, do các thị trường khác có thể thiết lập các biện pháp bảo hộ riêng để hạn chế nhập khẩu thép mà đáng ra đã đến thị trường Mỹ.
EU hiện là thị trường lớn thứ ba, chiếm gần 10% sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, đã tiến hành đợt rà soát thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu vào tháng 3 bao gồm tất cả các nước ngoài khu vực. Canada cũng đã bắt đầu một đợt rà soát thuế chống bán phá giá sơ bộ về thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam vào cuối tháng 5.
Phân tích chi tiết hơn về tác động của chiến tranh thương mại lên các công ty thép, SSI Research tin rằng Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất trong nước, sẽ không chịu ảnh hưởng đáng kể từ thuế quan vì công ty chỉ xuất khẩu khoảng 6% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2017, chỉ tăng 8% trong 5 tháng đầu năm 2018. Mặt khác, tỷ lệ xuất khẩu của các nhà sản xuất thép dẹt như Hoa Sen và Nam Kim lớn hơn ở mức 40% và 50%, từ đó khiến các công ty này dễ chịu ảnh hưởng hơn từ chiến tranh thương mại.
Xét về tác động trực tiếp lên thép xuất khẩu sang Mỹ, thị trường này chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen và Nam Kim trong năm 2017, và cả hai công ty hiện tại cũng đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang 60-75 quốc gia, do đó giúp giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, thuế quan của Mỹ có thể tạo ra hiệu ứng domino dẫn đến các quốc gia khác thiết lập rào cản thương mại, khiến cho thị trường thép toàn cầu tương đối khó lường trong dài hạn.