Tháng 7.2018, chương trình cách đồng rau muống nước VietGAP của TP.HCM đã đạt gần 500ha tại hai xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) và xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi).
Hiệu quả cao
Trung tâm khuyến nông (TTKN) TP.HCM là đơn vị trực tiếp xây dựng mô hình khuyến nông trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP tại các địa phương trên. Mô hình nhằm tạo sản phẩm rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, tạo việc làm, cải thiện thu nhập và thay đổi dần phương thức sản cũ.
Rau muống nước VietGAP cần được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi hơn. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Với người trồng theo VietGAP, đừng vì chút khó khăn ban đầu mà nản vì đây là bài toán lâu dài, sức khỏe con người được đặt trên hàng đầu. Phải duy trì ghi chép nhật ký đồng ruộng liên tục để khi có hợp đồng sẽ thuận lợi cho giao dịch”. Ông Võ Ngọc Đẹp |
Kết quả triển khai từ cuối năm 2017 đến nay, các hộ tham gia đều ghi nhận hiệu quả tích cực của mô hình đã giúp thay đổi dần phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần thực hiện tốt các chương trình nông nghiệp trọng điểm của thành phố.
Theo TTKN TP.HCM, mô hình đem lại năng suất cao. Tính bình quân, trên 1.000m2, mô hình sẽ thu được 1.600kg rau. Ông Phạm Văn Công - Tổ trưởng Tổ hợp tác rau muống nước VietGAP xã Nhị Bình cho biết, với 1ha diện tích trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP, mỗi năm ông thu 10 lứa rau, khoảng 20 tấn/ha/lứa. Với giá bán trung bình 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.
“Lúc đầu tham gia mô hình, nhiều người vẫn chưa tin tưởng. Nhưng khi làm rồi mới thấy hiệu quả quy trình đem lại, năng suất nâng lên, chất lượng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có các đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hàng ngày với giá ổn định” - ông Công nói.
Tại xã Bình Mỹ (Củ Chi), ông Phạm Văn Uông kể, thời gian qua dư luận đề cập nhiều đến vấn đề rau muống nước sản xuất không đảm bảo an toàn, nên nhiều hộ sản xuất chân thật cũng điêu đứng.
Nhưng nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, bà con yên tâm hơn khi tham gia. Hiện sản phẩm rau của gia đình ông được thương lái rất ưa chuộng. Mỗi ngày, ông vẫn xuất đều đặn ra thị trường khoảng 200kg, thu hơn 700.000 đồng.
Ông Uông cho biết, thời gian tới, ông cùng các hộ trồng rau ở địa phương sẽ cố gắng thành lập tổ hợp tác cùng sản xuất đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, nhằm xây dựng thương hiệu rau muống nước Bình Mỹ, góp phần nâng cao chất lượng sản cho người dùng.
Khó bán
Bà Nguyễn Thị Hiền (xã Bình Mỹ) cho hay, mô hình VietGAP phù hợp với thổ nhưỡng ở Củ Chi. Thực hành VietGAP giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động, nâng suất và chất lượng vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ vẫn có nhiều bấp bênh do phụ thuộc thương lái. Những sản phẩm trồng truyền thống lẫn lộn với sản phẩm VietGAP nên người tiêu dùng chưa có sự phân biệt rõ ràng để đánh giá đúng chất lượng, giá cả sản phẩm VietGAP. “Các cấp ngành đã tuyên truyền để chúng tôi làm theo nhưng bây giờ khâu tiêu thụ sản phẩm sạch cần thêm sự chấp nhận của người tiêu dùng” - bà Hiền nói.
Đây cũng là bức xúc của nhiều bà con trồng rau muống hiện nay. Rau VietGAP gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Sản phẩm phần lớn bán cho tiểu thương, một số ít bán ra chợ đầu mối Hóc Môn do chưa được phân biệt rau có chứng nhận VietGAP hay không.
Đồng tình, ông Uông kể, rau vào siêu thị, cửa hàng sản phẩm sạch thì số lượng có hạn; tiêu thụ ở chợ truyền thống thì bị chê nên sản phẩm chưa được của người tiêu dùng quan tâm thật sự.
“Nghịch lý là người tiêu dùng cần sản phẩm sạch, đạt chất lượng an toàn nhưng khi tiêu thụ thì vẫn thích lựa chọn rau xanh mướt, mẫu mã đẹp hơn để mua. Người sản xuất chưa thấy quyền lợi khi làm rau có chứng nhận VietGAP” - ông Uông phân trần.
Theo ông Võ Ngọc Đẹp - Phó Giám đốc TTKN TP.HCM, chứng nhận rau VietGAP là một trong những chương trình trọng điểm của TP.HCM, phù hợp với xu hướng phát triển rau sạch, an toàn. Tuy nhiên, do năng lực của các doanh nghiệp thu mua nên rau muống nước VietGAP chưa được tiêu thụ rộng rãi.
Sở NNPTNT TP.HCM sẽ cùng với các cấp các ngành tìm mọi cách để sản phẩm rau muống VietGAP thật sự đến được với người tiêu dùng. TTKN cũng đang đề nghị các ngành, đoàn thể địa phương kết nối với chợ truyền thống, ưu tiên có sạp rau hàng chứng nhận VietGAP để kích thích cho bà con nông dân phát huy mở rộng diện tích.