Theo một báo cáo của National Geographic, các nhà khảo cổ Peru đã phát hiện xương cốt của 140 trẻ em cùng với lượng xương của 200 con lạc đà non tại một hố chôn tập thể thuộc khu vực Huanchaquito-Las Llamas, nằm ở ngoại ô đô thị Trujillo thuộc bờ biển bắc của nước này. Toàn bộ số trẻ em và lạc đà ở đây được cho là đã bị giết hại nhằm phục vụ cho các nghi lễ hiến tế cách đây 500 năm về trước.
Khu vực diễn ra lễ hiến tế tập thể. Ảnh: National Geographic.
Mặc dù hiến tế người là một nghi lễ được biết đến nhiều và được thực hiện ở nhiều nền văn hóa khác nhau như Inca, Aztec và Mayan, quy mô cũng như độ tuổi nạn nhân hiến tế được phát hiện mới đây khiến cho các nhà khoa học cũng phải “lạnh gáy”.
“Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ việc này có thể xảy ra”, ông John Verano - một nhà vật lý nhân chủng học thuộc Trường Đại học Tulane, đồng thời cũng là thành viên nhóm khảo cổ tại Huanchaquito-Las Llamas nói với National Geographic.
Theo Vintage News, nạn nhân thuộc các độ tuổi khác nhau từ 4-14 tuổi, đều được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ và khỏe mạnh vào thời điểm bị giết hại. Toàn bộ số trẻ em được chôn cất hướng mặt biển còn số lạc đà non có dây thừng cuốn quanh cổ được chôn hướng về phía tây.
Theo National Geographic, bộ xương của cả trẻ em lẫn lạc đà đều có dấu hiệu vết cắt ở ngực và xương sườn bị gãy, trật cho thấy phần ngực đã bị mổ để lấy tim ra ngoài. Đáng chú ý, các vết thuốc màu đỏ được làm từ chu sa vẫn hiện diện trên nhiều hộp sọ được tìm thấy. Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng phần sơn đỏ là một phần của nghi lễ hiến tế.
Khi kiểm tra các sợi dây cuốn quanh cổ lạc đà bằng phương pháp định tuổi carbon-14, các nhà khoa học xác định rằng các sợi dây này có niên đại thuộc khoảng năm 1400-1450 - thời gian gần kết thúc nền văn hóa Chimú mà sau này bị tiêu diệt bởi nền văn minh Ican.
Đặc biệt, dựa trên một lớp bùn khô không bị tác động bởi thời gian hay con người tại một điểm của khu vực khảo cổ, các nhà điều tra tin rằng toàn bộ 140 trẻ em và 200 lạc đà đã bị giết hại cùng một lúc. Bên cạnh đó, một số dấu chân người trưởng thành và động vật, trong đó một số dấu vết cho thấy nạn nhân bị kéo lê, cũng đã được tìm thấy.
“Đây là một nghi lễ hiến tế được thực hiện một cách có hệ thống”, ông John Verano nhận định.
Nhà khảo cổ học Gabriel Prieto (thứ hai từ trái sang) làm việc tại hiện trường nơi vụ hiến tế tập thể diễn ra. Ảnh: National Geographic.
Để giải thích lý do tại sao một số lượng lớn trẻ em bị giết hại trong cùng lúc như vậy, các nhà khảo cổ đang đưa ra giả thuyết rằng người Chimú vào thời điểm ấy dường như đã cố cầu xin thần linh cứu giúp sau khi chịu các đợt hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng gây ra bởi hiện tượng El Nino. Các kết quả phân tích ADN ban đầu cho thấy số trẻ em bị hiến tế bao gồm cả nam và nữ, đến từ nhiều khu vực khác nhau.
“Có thể người Chimú đã hiến cho thần linh thứ quan trọng nhất đối với xã hội của họ thời đó”, ông Gabriel Pietro - nhà khảo cổ đầu tiên phát hiện và tiếp cận khu vực khảo cổ sau khi được dân địa phương thông báo hồi năm 2011 - nói với cơ quan thông tấn AP.
“Điều quan trọng đó chính là trẻ em bởi chúng đại diện cho tương lại”.