Dân Việt

Phát hiện mỏ "vàng xanh", thế giới thèm khát, nông dân chưa mặn mà

Thanh Duyên 01/08/2018 18:19 GMT+7
Hiện nay khi nhu cầu tinh dầu và hương liệu (cho mỹ phẩm), thứ đang được ví là “vàng xanh” trên thế giới tăng nhanh, do người dân ngày càng có xu hướng trở về dùng những hợp chất tự nhiên. Việc trồng thử nghiệm cây bạc hà chiết xuất tinh dầu ở xã Bình An (Bắc Bình) tạo cho Bình Thuận thêm một cây trồng triển vọng…

img

Cây bạc hà Nhật Bản được chọn trồng trong khu vực thí điểm của dự án phát triển nông nghiệp vùng tưới Phan Rí - Phan Thiết từ tháng 10/2016. 

Tinh dầu cao

Ở vùng đất mới khai hoang tại thôn An Bình, xã Bình An đã phủ lên một màu xanh mướt của cây bạc hà. Đây là dự án “Mô hình mẫu trồng, sản xuất và chế biến bạc hà” có diện tích 32,5 ha do Công ty TNHH Châu Giang - Hưng Yên triển khai. Cây bạc hà Nhật Bản được chọn trồng trong khu vực thí điểm của dự án phát triển nông nghiệp vùng tưới Phan Rí - Phan Thiết từ tháng 10/2016.

Bạc hà Nhật Bản có hàm lượng tinh dầu cao nhất trong họ cây bạc hà. Tinh dầu bạc hà là nguyên liệu sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, từ thực phẩm cho tới dược phẩm, nên nhu cầu về loại cây này trên thị trường trong và ngoài nước khá cao. Ở Việt Nam cũng có giống bạc hà nhưng do hàm lượng tinh dầu thấp nên chỉ dùng để làm thực phẩm chứ không thể trồng để lấy tinh dầu.

Qua 2 năm thực hiện dự án, bước đầu công ty đã hoàn thành một số hạng mục xây dựng cơ bản cũng như lắp đặt hoàn thiện nhà xưởng chế biến chưng cất tinh dầu thô để đảm bảo việc canh tác bạc hà ổn định. Hiện đã đưa vào hoạt động 1 dây chuyền chiết xuất chưng cất tinh dầu lỏng với công suất 50 tấn/ngày.

Cây bạc hà sau khi gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch sẽ được chế biến lấy tinh dầu thô tại nhà xưởng này. Từ khi trồng thử nghiệm đến nay, công ty đã thu hoạch được 65,5 tấn cây nguyên liệu bạc hà, chiết xuất được 650 kg tinh dầu.

Cây dược liệu bạc hà được đánh giá là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ở Bình Thuận ngắn hơn so các tỉnh phía Bắc trung bình đến 80 - 90 ngày, cho thu hoạch được 3 đợt cắt trong năm. Mặc dù vùng đất trồng thử nghiệm ở Bình An là đất rừng nghèo dinh dưỡng, chưa canh tác thuần thục nhưng bạc hà được đánh giá sinh trưởng, phát triển tốt.

Bà Đỗ Thị Nhường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Châu Giang - Hưng Yên phấn khởi nói: “Một điều thành công ngoài sự mong đợi là hàm lượng tinh dầu trồng tại vùng này đạt 0,7 - 1% cao hơn vùng truyền thống tại đồng bằng Bắc bộ khoảng 20%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho chiến lược quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh cây bạc hà tại Bình Thuận”.

Chế biến tinh thể bạc hà

Nhận thấy cây bạc hà có triển vọng tại Bình Thuận, Công ty TNHH Châu Giang Hưng Yên vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét chuyển đổi thời gian thuê đất dự án từ 5 năm lên 50 năm nhằm hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến tinh thể bạc hà để phát triển cây bạc hà bền vững tại địa phương.

img

Cây dược liệu bạc hà được đánh giá là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc.

Theo kế hoạch của công ty, dự kiến trong năm 2019 sẽ hợp tác xây dựng nhà máy Menthol Việt Nam bằng công nghệ Nhật Bản. Đồng thời, sẽ phát triển diện tích cây bạc hà lên 200 ha đến năm 2021. Bạc hà sau khi thu hoạch được chưng cất tinh dầu dạng lỏng, sau đó chế biến tinh thể bạc hà.

Theo hoạch toán của công ty, ước tính tổng chi phí đầu vào cho 3 vụ cắt/ha là 72,7 triệu đồng, với năng suất 20 - 25 tấn/ ha/vụ, giá thu mua 3.500 đồng/ kg, tỷ lệ thu hồi tinh dầu đạt 0,6%, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trên 137 triệu đồng/năm/3 vụ cắt. Khi mô hình trồng thử nghiệm thành công thì mức lợi nhuận canh tác bạc hà khá hấp dẫn.

Tuy nhiên, bà Nhường băn khoăn, mặc dù lượng tinh dầu thu được từ cây bạc hà đạt cao, nhưng nếu làm bài toán so sánh vùng Bắc bộ (năng suất đạt từ 30 - 35 tấn/ha) thì năng suất bạc hà tại vùng trồng mẫu Bình Thuận vẫn còn thấp. Mặt khác, còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như phải chủ động hệ thống tưới tiêu, điều kiện thổ nhưỡng, nếu đất giàu dinh dưỡng chắc chắn sẽ cải thiện được năng suất so với vùng trồng mẫu.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho rằng khi đưa mô hình nhân rộng sản xuất đại trà, Công ty TNHH Châu Giang Hưng Yên cần quan tâm cải thiện năng suất cây bạc hà, nghiên cứu đặc tính của bạc hà với vùng đất mới, xây dựng các mô hình thử nghiệm trên nhiều vùng đất, nhất là đất giàu dinh dưỡng để tiết kiệm chi phí.

Cùng với đó, thực hiện cải tạo đất, tìm giống phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để hoàn thiện quy trình sản xuất bạc hà đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ngoài dự án trồng mẫu 32,5 ha thử nghiệm, hiện nay cây bạc hà được đưa vào trồng thử nghiệm 2 ha tại thôn Tân Hòa, xã Sông Bình với 3 hộ tham gia do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai theo mô hình liên kết chuỗi. Nông dân được hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật chăm sóc cây. Về phía công ty sẽ thu mua toàn bộ bạc hà để chiết xuất tinh dầu xuất khẩu.

Như vậy, trước mắt công ty sẽ hoàn chỉnh quy trình chuẩn sản xuất bạc hà để mô hình mẫu thành công, tạo phấn khởi cho nông dân. Về lâu dài, khi phát triển vùng nguyên liệu mở rộng diện tích, xây dựng nhà máy Menthol, công ty cần có phương án tiêu thụ sản phẩm cây bạc hà để đảm bảo đầu ra để nông dân yên tâm khi chuyển đổi sang cây trồng mới này cũng như đánh giá hiệu quả kinh tế khi so sánh bạc hà với một số loại cây trồng khác, đề xuất mức giá thu mua để nông dân mạnh dạn trồng đại trà.

“Một điều thành công ngoài sự mong đợi là hàm lượng tinh dầu trồng tại vùng này đạt 0,7 -1%, cao hơn vùng truyền thống tại đồng bằng Bắc Bộ khoảng 20%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho chiến lược quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh cây bạc hà tại Bình Thuận” - bà Đỗ Thị Nhường, Chủ tịch HĐQT Công ty Châu Giang - Hưng Yên.