Dân Việt

VEC cảnh báo xuất hiện làm giả vé cước đường bộ  

Phi Long 01/08/2018 18:49 GMT+7
Chiều 1.8, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đã xuất hiện làm giả vé cước đường bộ tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây để thanh toán tại các doanh nghiệp, chủ phương tiện.

img

VEC cảnh báo xuất hiện làm giả vé cước đường bộ, (trong ảnh) vé giả bị phát hiện. Ảnh: VE.

Bộ GTVT cho biết, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hiện đang quản lý, khai thác 4 tuyến đường bộ cao tốc: Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với tổng chiều dài 415km.

Sau khi đưa vào khai thác, các tuyến đường cao tốc đã góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội các địa phương/khu vực có tuyến cao tốc đi qua, tiết giảm chi phí xã hội cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng/miền…; đặc biệt, sự hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc còn hỗ trợ kéo giảm tai nạn/sự cố giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ lân cận đường cao tốc, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Kể từ khi đưa vào khai thác, tính đến cuối tháng 7.2018, các tuyến cao tốc VEC quản lý đã phục vụ 135 triệu lượt phương tiện, cơ bản đảm bảo an toàn, hiệu quả, giao thông thông suốt. Riêng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đón nhận gần 51 triệu lượt phương tiện

Các phương tiện sử dụng dịch vụ đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý đều phải thanh toán phí dịch vụ sử dụng để đảm bảo hoàn vốn đầu tư dự án, trừ các trường hợp được miễn theo quy định tại Điều 4 Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15.11.2016 của Bộ GTVT quy định về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.         

Quy trình thu phí trên các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý là quy trình thu phí kín: Phương tiện khi lưu thông vào đường cao tốc sẽ được phát Thẻ thu phí – Dành cho làn thu phí thủ công (Toll Ticket – MTC lane) (ở đầu vào); khi ra khỏi đường cao tốc, nhân viên sẽ thu lại Thẻ thu phí – Dành cho làn thu phí thủ công (Toll Ticket – MTC lane) (ở đầu ra) và thu phí (số tiền thu ứng với chiều dài chặng đường phương tiện lưu thông), đồng thời in vé cước đường bộ (liên 2: Giao cho người nộp tiền).

img

VEC đưa ra vé thật để các doanh nghiệp nhận biết. Ảnh: VE

Tuy nhiên, từ 15.6.2018, một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP.HCM đã phản ánh về việc xuất hiện một số vé cước đường bộ (liên 2: Giao cho người nộp tiền) trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bị trùng series. Trước tình hình đó, VEC đã yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các vé trùng series để điều tra làm rõ. Qua phân tích, VEC kết luận các vé trên là vé giả - vé không do VEC phát hành; vé của VEC có in hoa văn trên phôi vé nhằm bảo đảm công tác bảo mật.

Việc xuất hiện làm giả vé cước đường bộ (liên 2: Giao cho người nộp tiền) trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dù không thiệt hại tới doanh thu thu phí của VEC, nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của VEC. Bên cạnh đó, xét trên phương diện xã hội, việc làm giả vé cước đường bộ đã làm thất thoát thuế VAT của Nhà nước, tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý của các doanh nghiệp, chủ phương tiện.

Để đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, chống thất thu thuế VAT của Nhà nước, VEC giới thiệu cách nhận biết vé thật – vé giả trên các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý như: Mầu sắc rõ rằng, sắc nét, chất liệu giấy là giấy in nhiệt, số series đã được thông báo Cục Thuế trước khi phát hành vies cước đường bộ.

Qua đây, VEC cũng khẳng định: Phôi vé của VEC đã đăng ký bản quyền và có bảo hộ. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi làm giả vé cước đường bộ là vi phạm pháp luật.

VEC cũng cho biết, nếu các cá nhân, doanh nghiệp, chủ phương tiện cố tình thanh toán, bao che cho lái xe sử dụng vé giả làm chứng từ để thanh toán, Tổng công ty sẽ chuyển cơ quan chức năng điều tra, truy tố theo đúng quy định của pháp luật.