Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La, sau khi củng cố tài liệu, chứng cứ, xác minh hành vi của một số đối tượng liên quan đã cấu thành tội phạm đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, ngày 31.7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng.
Ông Yên và 4 người khác cùng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Đó là: Nguyễn Thị Hồng Nga, SN 1967, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Đặng Hữu Thủy, SN 1964, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Lò Văn Huynh, SN 1961, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng Ban thư ký.
Khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 đối tượng:
Trần Xuân Yến, SN 1971, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban chấm thi, Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm.
Cầm Thị Bun Sọn, SN 1969, Phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Tất cả đều về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Sau khi thông tin này phát đi, nhiều độc giả thắc mắc, tại sao cả 5 người tại Sở GDĐT Sơn La cùng bị khởi tố cùng tội nhưng chỉ có 3 người bị tạm giam, 2 người khác được tại ngoại. Trong đó có ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT - người giữ chức vụ cao nhất xuất hiện trong vụ án?
Để làm rõ câu hỏi này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Theo luật sư Hòe việc cả 5 người ở Sở GD-ĐT Sơn La cùng bị khởi tố cùng một tội danh nhưng có 2 người được tại ngoại không phải là điều bất thường. Luật tố tụng Hình sự không cấm vấn đề này.
Điều kiện được tại ngoại đối với bị can, bị cáo hiện nay không quy định cụ thể, tuy nhiên theo luật sư có thể đưa ra một số điều kiện.
Thứ nhất, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Thứ hai, người phạm tội ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, không có dấu hiệu bỏ trốn và có ít nhất hai người bảo lãnh.
Đối với những người được tại ngoại, cơ quan chức năng sẽ áp dụng thêm biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong thời gian tại ngoại nếu hai người này tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ bị bắt giam.
Nói cụ thể về vụ việc ở Sơn La, luật sư Hòe nhận định, hành vi của ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La và 4 người khác của đơn vị này là nghiêm trọng và chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm.
Hiện cơ quan công an khởi tố các đối tượng này về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự là hợp lý.
“Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”, luật sư Hòe phân tích.
Như vậy, với tội danh vừa bị khởi tố, ông Trần Xuân Yến và những người khác khác có thể phải đối mặt với mức án lên đến 15 năm tù giam.