Cuộc họp do Cục hàng hải Việt Nam và Vụ Vận tải (Bộ GTVT) phối hợp tổ chức sáng ngày 2.8, tại văn phòng thường trực phía Nam Bộ GTVT tại TP.HCM.
Từ đầu giờ, đại diện các đơn vị liên qua đã có mặt rất đúng giờ, đông đủ. Thậm chí 1 đơn vị chủ hàng cử 2 – 3 đại diện cùng tham dự. Cuộc họp tìm hướng xử lý container hàng hóa phế liệu tồn đọng tại các cảng biển kéo dài liên tục đến quá 12h trưa mới kết thúc.
Rất đông các đại diện đến dự họp mong tìm hướng xử lý container hàng hóa phế liệu tồn đọng tại các cảng biển.
Theo ông Thu, vấn đề xử lý hàng nhập khẩu là phế liệu tồn đọng tại các cảng biển không phải là vấn đề mới nhưng đặc biệt nóng trong năm 2018. Vấn đề này cần nhiều bộ ngành cùng vào cuộc giải quyết. Trước hết là với khối lượng lớn đã nhập về còn tồn đọng ngoài cảng và các công hàng đang chuẩn bị về Việt Nam.
“Rõ ràng trong thời gian qua cơ chế phối hợp làm việc giữa các cơ quan, bộ ngành là không tốt; không tránh khỏi tâm lý phát sinh từ các doanh nghiệp là đùn đẩy trách nhiệm. Tất cả các đơn vị liên quan đều phải ý thức rõ vấn đề này, kể cả Bộ GTVT.
Có ý kiến đánh giá trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT thì tôi không đồng ý vì nó chỉ giải quyết được phần ngọn. Phần gốc thuộc về trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc thống kê danh mục các mặt hàng được phép vận chuyển, công bố công khai.
Theo báo cáo của các cảng vụ hàng hải, hiện nay lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, nhiều lô hàng đã dỡ xuống cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu dẫn tới hàng tồn tại các cảng biển.
Cuộc họp diễn ra rất nóng, đến hơn 12 giờ trưa mới kết thúc.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6.2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP.HCM và khu vực cảng biển Hải Phòng là 5.724 container.
Trong đó, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các Cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container. Trong số gần 3.500 container đang lưu tại cảng Cát Lái, số lưu bãi quá 90 ngày là 2.068 container, số lưu bãi dưới 40 ngày là 595 container; số container lưu từ 30 – 90 ngày là 968 container. Ước tính khoảng 20% số container này chứa phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và các loại phế liệu khác.
Cảng biển khu vực thành phố Hải Phòng hiện đang tồn đọng số container có thời hạn lưu quá 90 ngày là 1.005 container và số lưu bãi từ 30 – 90 ngày khoảng gần 500 container.
Hàng hóa phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng gồm phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, nhôm, đồng, xỉ cát...
Hàng ngàn container phế liệu tồn đọng tại các bến cảng gây khó khăn cho cả cảng biển, chủ hàng lẫn chủ tàu...
Việc tồn đọng container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển Việt Nam làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, làm chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container, ảnh hưởng đến hoạt động của các hãn tàu, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với khó khăn của các chủ hàng, hãng tàu, cảng biển đang gặp phải trong vấn đề tồn đọng phế liệu, ông Thu cho biết ngày mai (3.8), một cuộc họp tương tự sẽ được tổ chức tại Hải Phòng.
“Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của tất cả các bên liên quan để tổng hợp trình Chính phủ xem xét giải quyết, kể cả đề xuất lập một chính quyền cảng để giải quyết vấn đề chậm trễ thủ tục tại các cảng biển hiện nay”, ông Thu chia sẻ.