Dân Việt

Không để sốt giá, thiếu hàng dịp tết

30/01/2013 13:17 GMT+7
(Dân Việt) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá...

Không để giá gạo xuống thấp

Chiều 29.1, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả phiên họp. Theo Bộ trưởng Đam, trong tháng 1.2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,25% so với tháng trước đó, là mức trung bình so với các năm trước.

img
Tình trạng giá tăng dịp tết là nỗi lo của người tiêu dùng (ảnh chụp tại chợ Hôm, Hà Nội).

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1.2013 tăng 7,07%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây. Bộ trưởng Đam lý giải, nguyên nhân của việc CPI tăng là do nhiều địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại kéo dài ở một số tỉnh phía Bắc cộng thêm nhu cầu mua sắm trước dịp Tết Nguyên đán của người dân.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết thêm, Chính phủ đã nhận định thời gian tới, nhiều giải pháp phải được làm quyết liệt hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: "Ngay tại cơ quan VPCP của chúng tôi cũng vậy. Có những chuyên viên rất nhiều việc, làm cả thứ 7, Chủ nhật không hết. Nhưng cũng có những người vẫn còn nhiều thời gian rỗi.".

Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện tốt việc mua gạo tạm trữ, không để giá gạo xuống thấp, ảnh hưởng tới nông dân. Ngoài ra, phải đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp, hộ dân nuôi cá da trơn…

Vì là tháng giáp Tết, Chính phủ cũng thảo luận kỹ về việc làm sao để nhân dân có một cái Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm. Bộ trưởng cho biết: “Một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận chính là các giải pháp đảm bảo nhân dân đón Tết vui Xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá. Việc đi lại cho dân cần tiếp tục được tăng cường kiểm soát, không để thiếu phương tiện hay xảy ra tình trạng nhồi nhét trên tàu, xe. "Nếu cần các doanh nghiệp vận tải như hàng không, đường sắt có thể hạ giá xuống mức hòa vốn, nhằm chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhân dân"- ông Đam dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Cải cách hành chính quyết liệt hơn nữa

Với câu hỏi của PV NTNN muốn biết quan điểm của Chính phủ sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một hội nghị gần đây rằng, "hiện trong bộ máy Nhà nước có khoảng 30% cán bộ công chức có cũng được, không có cũng chẳng sao", Bộ trưởng Đam đánh giá: Thực tế là trong bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay có một lực lượng cán bộ công chức mà mức độ đóng góp là hạn chế.

Cải cách hành chính là một quá trình phải làm trong nhiều năm, thường xuyên và quyết liệt, chắc chắn là sẽ có lúc thuận lợi, nhưng cũng có lúc khó khăn. Nếu làm với tinh thần kiên trì, quyết liệt trong một số năm, chúng ta sẽ có được một bộ máy công chức mà chức trách, nhiệm vụ được xác định rõ, như vậy mới giảm đi được số cán bộ công chức "có cũng được, không có cũng không sao".

Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm: Tôi đã qua nhiều cơ quan từ T.Ư tới địa phương và thấy đúng là cơ quan nào cũng có một số cán bộ như vậy. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là khi trao đổi trực tiếp với họ, tôi nhận thấy họ luôn khát khao được làm việc, muốn được cống hiến chứ không chỉ muốn ngồi có chỗ để ăn lương. Cũng có những trường hợp trong lòng họ rất muốn cống hiến, nhưng không được nên đâm chán nản, bức xúc”.

Không thanh tra lại kết luận thanh tra tại Đà Nẵng!

Trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm và chỉ đạo của Chính phủ liên quan tới việc UBND TP. Đà Nẵng phản ứng lại kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về công tác quản lý, sử dụng đất đai của TP này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc thanh tra ở Đà Nẵng cũng là một cuộc thanh tra như nhiều cuộc khác. Ông Đam cung cấp con số: Năm 2011, TTCP đã có 27 kết luận thanh tra và công bố 26 kết luận.

Còn năm 2012, TTCP đã có kết luận của 24 cuộc và công bố được 20 cuộc. "Việc thanh tra ở Đà Nẵng là cuộc thanh tra bình thường, theo đúng quy định của pháp luật. Việc công bố quyết định thanh tra cũng được thực hiện theo đúng quy định. Việc TTCP báo cáo lên Thủ tướng cũng là việc làm bình thường" - Bộ trưởng Đam khẳng định.

Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết thêm, việc Đà Nẵng phản ứng lại kết luận của TTCP, Chính phủ mới chỉ tiếp nhận thông tin này qua báo chí. "Chính phủ rất cầu thị và trách nhiệm trước thông tin trên báo chí, vì vậy đã yêu cầu TTCP có báo cáo về những thông tin này". Trước câu hỏi liệu Chính phủ có chỉ đạo TTCP thanh tra lại những nội dung đã nêu trong kết luận thanh tra tại Đà Nẵng, Chủ nhiệm Đam phân tích: "Theo Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra, việc thanh tra lại chỉ được thực hiện với những kết luận thanh tra do các bộ và địa phương thực hiện.

Còn khi TTCP thực hiện thì không có chuyện thanh tra lại". Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có kết luận về việc thanh tra tại Đà Nẵng, giao nhiệm vụ cho UBND TP. Đà Nẵng, một số bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công an thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Trong quá trình thực hiện, nếu các cơ quan này thấy có vấn đề thì cứ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến. "Tuy vậy, cho tới thời điểm này, Thủ tướng vẫn chưa nhận được văn bản của Đà Nẵng hay bộ, ngành nào sau khi Thủ tướng chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra tại Đà Nẵng. Nếu có, Thủ tướng sẽ xem xét theo quy định" - Chủ nhiệm VPCP cho biết.