Dân Việt

Đạt trên 5 tỷ USD, xuất khẩu lâm sản tăng trưởng ngoạn mục

Đình Thắng 03/08/2018 19:00 GMT+7
Trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính ước đạt 5,025 tỷ USD, giúp ngành lâm sản liên tục giữ mức tăng trưởng cao và dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp về giá trị xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu gỗ tăng mạnh

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu (XK) lâm sản chính tháng 7.2018 ước đạt trên 681 triệu USD, đưa tổng giá trị XK lâm sản chính 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,025 tỷ USD, tương đương với 55,83% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 7 tháng ước đạt 3,77 tỷ USD.

img

Ngành lâm sản liên tục giữ mức tăng trưởng cao và dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp về giá trị xuất khẩu.   Ảnh: T.L

Thủ tưởng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị về ngành gỗ

Để tìm kiếm giải pháp khai thác tiềm năng, thúc đẩy nhanh, bền vững, nâng cao giá trị ngành hàng lâm sản, vào ngày 8.8, tại TP.HCM sẽ diễn ra hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”. Hội nghị do Thủ tưởng Chính phủ chủ trì, với sự góp mặt của hơn 500 doanh nghiệp gỗ, các cơ quan ban, ngành liên quan, các tổ chức trong và ngoài nước.

Các mặt hàng XK thuộc nhóm lâm sản chính gồm: Gỗ thành phẩm, dăm gỗ, các loại gỗ khác và một số mặt hàng lâm sản ngoài gỗ như: Mây, tre, cói, thảm, quế.  Gỗ thành phẩm đã qua chế biến có giá trị XK lớn nhất trong số các mặt hàng trên, thu về trên 3,2 triệu USD.

Ông Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, kết quả trên có được bởi tái cơ cấu ngành lâm nghiệp có chuyển biến rõ rệt, đã có nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp giá trị cao, mô hình kinh doanh gỗ lớn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã.

Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất sang trên 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường chủ yếu là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Năm 2018, ngành lâm nghiệp phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,0 – 6,5%; giá trị XK lâm sản 9 tỷ USD và tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%.

Đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu

Dù có đà tăng trưởng tốt trong 7 tháng đầu năm, nhưng theo nhận định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, XK nửa cuối năm cũng phải đối diện với những khó khăn nhất định bởi thị trường các nước biến động thường xuyên. Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ nguồn nguyên liệu. Hiện, trong nhập khẩu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp chưa phân loại được những vùng rủi ro để tránh.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị nhập khẩu tháng 7.2018 đạt 170 triệu USD, nâng tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 1,24 tỷ USD, chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân đã chuẩn bị vùng trồng rừng nguyên liệu đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng để cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ XK.

Phân tích diễn biến thị trường thế giới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, trên thị trường thế giới, căng thẳng thương mại, thiếu hụt nguyên liệu tiếp tục là các yếu tố chi phối thị trường gỗ thế giới những tháng qua.

Mới đây, Mỹ đe dọa đánh thuế 10% hàng hóa của Trung Quốc với giá trị lên tới 200 tỷ USD nếu Trung Quốc tiếp tục có những biện pháp trả đũa chính sách thương mại của Mỹ. Các sản phẩm gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ lạng làm lớp bề mặt, gỗ ván sàn, gỗ dán và các sản phẩm thuộc nhóm đồ gỗ nội, ngoại thất của Trung Quốc nằm trong gói thuế quan này.

Trong ngắn hạn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa thể có tác động đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần tính đến những thách thức về cạnh tranh trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ của các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam sẽ gây nhiều áp lực đến ngành chế biến gỗ trong nước từ công nghệ cho đến nhân công giá rẻ. Do đó, các doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi trên thị trường.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ, ông Nguyễn Quốc Trị khuyến cáo: “Các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp. Trong tương lai sẽ xây dựng những khu rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ, có sự liên kết chuỗi giữa người trồng rừng với công ty chế biến thì tin tưởng rằng giá trị XK sẽ còn tăng hơn”.

Nhận định lạc quan về thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, những tháng nửa cuối năm XK gỗ luôn đạt giá trị cao hơn so với đầu năm do thói quen tiêu dùng, mua sắm, thay thế nội, ngoại thất cũng như xây dựng trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, một số thị trường như Mỹ trong tương lai gần là cơ hội để sản phẩm gỗ Việt thay thế sản phẩm gỗ Trung Quốc. Mặc khác, các đơn hàng thường được hoàn thành vào cuối năm, do đó dự báo gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ là nhóm hàng có những tín hiệu khả quan và là điểm sáng của XK nông lâm thủy sản năm 2018.