Cả gia đình đi học nghề thú y
Có mặt trong buổi bế giảng lớp học dạy nghề chăn nuôi Thú y K3C ngày 3.8, chị Nguyễn Thị Xuyên (44 tuổi) cho biết, chị và con gái Nguyễn Thị Sang (24 tuổi) là một trong những học viên rất đặc biệt của lớp học Trung cấp Thú y K3C.
“Gia đình làm gia trại, sản xuất chăn nuôi lợn. Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi tự nhiên. Khi vật nuôi ốm phải thuê bác sĩ, rất tốn kém. Sau hơn 2 năm vừa học vừa làm, tay nghề của tôi đã được nâng cao nhờ vậy tự thăm khám bệnh cho vật nuôi và nhiều khi còn thăm khám cả cho vật nuôi hàng xóm", chị Xuyên nói.
Từng học sư phạm ở Đại học Tân Trào nhưng có đam mê chăn nuôi, cô gái Nguyễn Thị Sang, con gái của chị Xuyên cũng theo chân mẹ đi học nghề thú y. Ngoài Sang, chồng của em cũng đang nộp hồ sơ theo học lớp học nghề thú y khoá tiếp theo để về phát triển kinh tế gia đình.
Học viên La Văn Viện thực hành bài chăm sóc lợn mới sinh. Ảnh. T.A
Anh Nguyễn Thiện Hoàng (50 tuổi) có 2 bằng đại học, hiện là Giám đốc Công ty Dairy Việt Nam – Đơn vị cung cấp giải pháp chăn nuôi bò sữa, cũng là một trong 48 học sinh của lớp học, cảm thấy rất vui mừng vì đã tốt nghiệp lớp Chăn nuôi thú y K3C.
“Tham gia lớp học tôi được tiếp cận với nhiều kiến thức mới, giải pháp, công nghệ sản xuất mới do vậy, đây cũng là cách để tôi cập nhật lại kiến thức, đặc biệt qua đó kết nối với những người làm cùng lĩnh vực trong chăn nuôi. Từ đó, tôi thúc đẩy việc trao đổi khoa học kỹ thuật, nắm bắt được kiến thức, kỹ năng để ứng dụng thay đổi cơ cấu sản xuất, giải pháp tư vấn cho chính công ty và đối tác”, anh Hoàng tâm sự.
Cô Mai Thị Lan Hương, Giáo viên chủ nhiệm lớp Thú y K3C, cho biết, một số học sinh trong lớp đã từng học đại học, nhưng thất nghiệp nên lại đi học nghề để có cơ hội tìm việc làm mới. Một số khác là các cặp vợ chồng, mẹ con có cùng mong ước cập nhật kiến thức nhằm phát triển kinh tế gia đình.
“Đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc trong 2 năm để học nghề không phải là vấn đề nhỏ với các học sinh người dân tộc, đặc biệt với những học sinh đã 40-50 tuổi. Tuy vậy, với sự quyết tâm của các em, đa phần đều hoàn thành tốt khóa học. Sau học nghề, 100% học sinh có việc làm, 95% học sinh trong lớp được giới thiệu việc làm thông qua các doanh nghiệp có ký kết hợp đồng hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm với nhà trường như Công ty CP Hồ Toản. Đặc biệt, một số lao động nhận mức lương 8-10 triệu đồng”, cô Hương chia sẻ.
Theo cô Hương, trong 2 năm học, học sinh lớp chăn nuôi Thú Y K3C được dạy lý thuyết và kỹ năng chăn nuôi tất cả các loại gia súc, gia cầm. Sau gần một năm học lý thuyết, các em sẽ được hỗ trợ vào doanh nghiệp thực tập, làm việc. Từ năm học thứ 2 các em sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng tuyển dụng các em.
Hướng đi mới trong đào tạo
Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam tiền thân là Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo TS. Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng nhà trường, trong vòng 7 năm qua, trường đã mở và đào tạo được gần 600 lớp học với hơn 20.000 học viên. Không chỉ đào tạo sơ cấp, trường còn đào tạo được 20 lớp học trung cấp cho gần 1.000 học sinh. Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo 20 nghề, đặc biệt trong đó có 3 nghề được Bộ LĐTB&XH phê duyệt là nghề trọng điểm để đầu tư: Chăn nuôi gia súc gia cầm; Cơ điện nông thôn; Kỹ thuật máy nông nghiệp.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp của Đảng, Chính Phủ, thời gian qua, trường cũng đã thực hiện mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân. Từ đó, thực hiện nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng chuyên canh, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn trong cả nước.
Trước đó, năm 2016, nhà trường đã triển khai dạy nghề kết hợp với doanh nghiệp. Mô hình điểm được triển khai thông qua lớp dạy nghề thú y tại thôn Suối Khoáng, xã Phú Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang). Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vốn là tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, giải quyết việc làm cho nông dân còn rất nhiều hạn chế. Tuy vậy, sau học nghề, nhiều lao động trong vùng đã được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/tháng.
Lễ trao bằng tốt nghiệp cho học sinh học lớp Thú Y. Ảnh: T.A
Là đơn vị tiên phong trong kết hợp với nhà trường thực hiện đào tạo nghề, Công ty CP Hồ Toản hiện đã tiếp nhận hơn 40 học sinh tốt nghiệp ra làm việc.
Ông Raviv Rom – Giám đốc điều hành Công ty CP Hồ Toản cho biết, ngành nông nghiệp là một trong những ngành đặc biệt quan trọng của Việt Nam, tuy nhiên, nó đang phải đối mặt với những thách thức mới. Hoạt động sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, do vậy, nếu có năng lực, kiến thức, lao động sẽ hạn chế được các rủi ro góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tăng trưởng tốt.
“Tôi đánh giá cao tay nghề của học sinh được dạy nghề. 100% học sinh được công ty tiếp nhận đều đáp ứng cao nhu cầu lao động, sản xuất của công ty. Thời gian tới công ty sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị trong việc đào tạo”, ông Raviv Rom nhấn mạnh.
Nói về hoạt động dạy nghề trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam, cho biết: "Thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động theo hướng tự chủ, đồng thời tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo. Tới đây, nếu được phân cấp, giao quyền tự chủ, nhà trường sẽ phấn đấu tới năm 2020 trở thành trường cao đẳng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo. Thực hiện đào tạo đa nghành, đa cấp”.
Nhà trường cần nâng cao chất lượng đào tạo, nhân rộng mô hình tốt Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp. Chính bởi vậy, trong những năm qua, Hội Nông dân rất quan tâm tới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đào tạo nghề sơ cấp, Hội còn chỉ đạo các đơn vị đào tạo dạy nghề trung cấp. “Thời gian qua, việc đào tạo nghề của Trường Trung cấp Nông dân đã được đổi mới theo yêu cầu của Trung ương Hội. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề theo địa chỉ đã phát huy tác dụng. Thêm vào đó, các học viên của lớp học cũng đã rất cố gắng. Mục tiêu của lớp học đã đạt được – 100% học sinh đã có việc làm thu nhập ổn định. Trung ương Hội Nông cũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần hợp tác của doanh nghiệp trong việc hợp tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động", ông Nam nói. Đồng thời, Phó Chủ tịch Hội cũng yêu cầu nhà trường liên tục cải tiến đào tạo, từ đó phát huy, nhân rộng các mô hình điểm về dạy nghề tại các phân hiệu khác của trường. Ông Nam nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là học sinh sau học nghề phải nắm được kỹ thuật, đồng thời phải có kiến thức để sản xuất an toàn. Không những vậy lao động cần phải biết quản trị, ghi chép quy trình, lịch trình sản xuất, hướng tới việc sản xuất thực hành bảo hiểm nông nghiệp”. Cũng trong buổi bế giảng và khai giảng lớp sơ cấp ông Nam cũng lưu ý các đơn vị kết nối, hỗ trợ lao động sau học nghề về cả vốn, kỹ thuật, tạo đầu ra cho sản phẩm của lao động. |