Dân Việt

CIA chứa chấp hàng trăm cựu điệp viên hai mang ở các vùng quê Mỹ

Trung Hiếu 05/08/2018 14:05 GMT+7
Phản bội đất nước và đến sống ở một quốc gia khác dưới vỏ bọc mới. Những cựu điệp viên đào thoát luôn đối mặt với nguy cơ bị bắt trở lại, thậm chí bị thủ tiêu.

Sau nhiều năm đào thoát khỏi Nga và định cư tại Mỹ, Alexander Zaporozhsky, cựu điệp viên của Ủy ban An ninh quốc gia Nga (KGB), đã bị thu hút trở lại đất nước mà ông từng phản bội. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã cảnh báo Zaporozhsky đừng đi.

Một số quan chức tình báo cấp cao của CIA thất bại trong việc thuyết phục Zaporozhsky, người đã cung cấp thông tin giá trị dẫn đến vụ bắt giữ điệp viên Nga Robert Hanssen cài cắm trong Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Tuy nhiên, cựu điệp viên Nga được coi là tài sản của Mỹ đã khăng khăng đòi trở lại Moscow vào năm 2001. Hậu quả là ông ta bị bắt ở Siberia vì những mối liên hệ mờ ám với phương Tây. Zaporozhsky được trả tự do vào năm 2010 và được đưa trở lại Mỹ, một phần trong vụ trao đổi gián điệp giữa Mỹ và Nga, bao gồm Sergei Skripal, cựu điệp viên KGB bị buộc tội làm gián điệp tại Anh.

Những cựu điệp viên KGB sau khi được trả tự do đều biến mất và nơi sinh sống của họ vẫn là một bí mật. Tuy nhiên, tên tuổi của Sergei Skripal lại nổi lên vào tháng 3 khi ông bị đầu độc ở thành phố Salisbury, Anh. Một sự cố mà Mỹ và Anh cáo buộc chính phủ Nga gây ra còn Moscow phủ nhận bất kỳ liên quan.

Kẻ đào thoát, viên ngọc của hoạt động tình báo

Đối với hoạt động tình báo, con người là yếu tố then chốt. Việc tuyển dụng của CIA là cực kỳ quan trọng đối với những nỗ lực của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Nó tiếp tục đóng vai trò thiết yếu trong thế giới gián điệp đang phát triển.

img

Sergei Skripal, cựu điệp viên KGB bị kết án làm gián điệp tại Anh. Ảnh: AP.

Một mặt, các cơ quan tình báo như CIA liên tục săn lùng, xác định và bắt giữ điệp viên nước ngoài, bao gồm Maria Butina, nữ công dân Nga bị bắt vì nghi hoạt động tình báo tại Mỹ. Mặt khác, họ tìm cách chiêu mộ các điệp viên nước ngoài phục vụ cho lợi ích của Washington.

Ở Mỹ, CIA đã xây dựng một chương trình tập trung vào việc bí mật giải cứu và tái định cư cho các điệp viên hai mang, những người có nguy cơ bị bắt, thậm chí bị giết bởi quốc gia mà họ phản bội.

“Ngay cả khi họ đến được Mỹ, nguy hiểm vẫn chưa dừng lại ở đó”, một cựu quan chức tình báo Mỹ nói với CNN. Các quốc gia mà họ phản bội sẽ tiếp tục săn lùng họ. Thách thức bảo vệ những người đào thoát càng trở nên khó khăn hơn trước sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội.

“Trong nhiều thập kỷ, những điệp viên cao cấp đào thoát được ví von là vương miện trong bộ sưu tập con người của giới tình báo”, theo Joe Augustyn, cựu điệp viên CIA, người điều hành chương trình bảo vệ điệp viên đào thoát trong 3 năm nói.

Với sự phát triển mạnh của công nghệ ở các nước đối thủ của Mỹ và những khó khăn trong việc “lẫn trốn giữa cánh đồng”, thách thức của CIA trong việc bảo vệ các gián điệp hai mang chưa bao giờ lớn hơn, cựu điệp viên Augustyn cho biết thêm.

“Bảo vệ những cá nhân phản bội đất nước họ để phục vụ cho lợi ích của chúng ta, thậm chí còn quan trọng và thách thức còn lớn hơn cả trong Chiến tranh Lạnh”, Augustyn nói. Michael Hayden, cựu giám đốc CIA, nói với CNN rằng những người đào thoát không chỉ giúp đỡ cho tình báo ở hiện tại mà còn ở quá khứ.

“Những người đào thoát là nguồn thông tin dài hạn và sâu sắc. Họ khai sáng những thứ mà chúng tôi thu thập được nhưng không thể hiểu, cũng như những điều mà chúng tôi có thể thu thập trong tương lai”, Hayden nói.

Trong khi CIA cố gắng giữ bí mật hoạt động bảo vệ những người đào thoát, các sự kiện như vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal là một lời cảnh tỉnh về những nguy hiểm đối với bất kỳ ai tham gia vào hoạt động gián điệp.

Cuộc sống mới dưới vỏ bọc hoàn hảo

Chương trình bảo vệ điệp viên đào thoát của CIA đã tồn tại từ năm 1949, khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho phép cơ quan này tái định cư 100 công dân nước ngoại tại Mỹ mỗi năm, nếu những người này có giá trị đối với an ninh quốc gia Mỹ.

img

Alexander Zaporozhsky (đeo kính) cựu điệp viên KGB đã giúp Mỹ bắt gián điệp Nga trong FBI. Ảnh: Getty/Tass.

CIA không cung cấp chi tiết về hoạt động tái định cư của họ, thực tế có hàng trăm gián điệp cũ sống ở Mỹ dưới nhân dạng mới và được tái định cư thành công vào các cộng đồng trên khắp nước Mỹ.

Hàng chục quan chức CIA làm việc cho chương trình bảo vệ người đào thoát có trách nhiệm theo dõi các cá nhân đó, tư vấn cho họ cách tốt nhất để sống sót quãng đời còn lại. Tất cả đều ý thức được rằng họ vẫn đang bị săn lùng bởi chính quốc gia mà họ phản bội.

Khi người đào thoát được đưa ra khỏi đất nước của họ, thường là các cuộc di tản vội vàng trong đêm khuya. Họ và gia đình sẽ được đặt tên mới, học tiếng Anh cùng tiền và căn hộ. Họ được khuyên không sử dụng mạng xã hội và không liên hệ với bất kỳ ai ở quê hương cũ.

Các bác sĩ tâm thần cũng làm việc trong đơn vị đặc biệt để giúp những gia đình đào thoát thích nghi với môi trường sống xung quanh họ. Tuy vậy, mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Con của các cựu gián điệp thường không cưỡng lại được sự cám dỗ của mạng xã hội. Điều đó khiến vị trí của họ bị lộ. Một số người buộc phải quay lại quê hương cũ vì không thể điều chỉnh được lối sống ở Mỹ. Một số cựu điệp viên thậm chí còn kiện chính quyền vì không cung cấp đủ tiền cho gia đình họ.

Những cái chết không lời giải

Những người đào thoát có rất nhiều thách thức tâm lý cho CIA khi định hướng lại cuộc sống tái định cư về lâu dài. Một số người đào thoát duy trì niềm tin mạnh mẽ một cách bất thường về khả năng bất tử của họ, đặc điểm thường khiến họ trở thành mục tiêu.

img

Aldrich Ames, cựu điệp viên CIA bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô từ năm 1985-1994. Ảnh: CNN.

Một số khác không thể thỏa hiệp với thực tế rằng, họ không còn là con người như trước kia nữa. “Bất kỳ ai phản bội đất nước họ, dù với bất kỳ lý do gì thì họ là những người có bản ngả rất mạnh mẽ và được thúc đẩy bởi những lý do cá nhân như lòng tham, mong muốn trả thù hơn là ý thức hệ chính trị, hoặc nghĩ về một thế giới tốt đẹp hơn”, Augustyn nói.

Sự thay đổi lối sống là thách thức lớn nhất đối với những người đào thoát và gia đình của họ, những người buộc phải từ bỏ nhiều thứ quan trọng mà từ lâu đã trở thành nền tảng hay bản sắc của họ.

Chương trình bảo vệ người đào thoát của CIA vẫn còn nhạy cảm và rất ít người có thể thảo luận về nó. CIA đã tái định cư thành công cho hàng trăm cựu điệp viên nước ngoài trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp kết thúc trong thảm kịch.

Kể từ khi chương trình được thành lập sau Thế chiến II, rất nhiều người đào thoát từ các nước thuộc khối Đông Âu đã bị ám sát, hoặc chết trong những trường hợp rất đáng ngờ. Cho đến nay, CIA không thể tìm được câu trả lời liên quan đến vụ việc của cựu điệp viên quân đội Ba Lan Ryszard Kuklinksi.

Ryszard Kuklinksi đã cung cấp rất nhiều thông tin giá trị về chương trình hạt nhân của Liên Xô trong thập niên 1970-1980. Ông được CIA đưa đến Mỹ và sinh sống ở Florida. Tuy nhiên, 2 người con trai của ông đã chết một cách bí ẩn, cách nhau chưa đầy 6 tháng vào năm 1994.