Theo ông Toàn, tiêu chuẩn đó phải phù hợp và tương thích với cả chuẩn quốc tế, đây chính là cơ hội để chúng ta từng bước xóa bỏ tình trạng thịt “nóng”, thịt “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ. Và muốn thực hiện phải có sự tham gia của doanh nghiệp.
Đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi thịt mát. Đại diện một doanh nghiệp cho biết: Tiêu chuẩn quốc gia sẽ là tấm giấy thông hành chứng minh hướng đi đúng của doanh nghiệp, đồng thời từng bước hình thành môi trường kinh doanh thực phẩm sạch hơn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Thịt mát vẫn còn hành trình gian nan để được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: T.L
Nói về giải pháp thay đổi thói quen của người tiêu dùng, bà Trần Thị Mai Phương (Hội Chăn nuôi Việt Nam), cho rằng: Để thay đổi thói quen không phải dễ, cần tiến hành đồng bộ nhiều khâu: Tuyên truyền, giáo dục (nhà trường, cộng đồng…), khuyến khích sản xuất thịt mát, thịt an toàn để người dân có nhiều lựa chọn, có chế tài xử lý các doanh nghiệp, các nhà sản xuất sản xuất thịt bẩn…
Những lợi ích của thịt mát đã rõ, nhưng làm thế nào để người tiêu dùng hiểu đúng và đón nhận thịt mát lại là câu chuyện dài. Vẫn biết mục tiêu lớn nhất để hoàn thiện các quy chuẩn chất lượng của thịt mát là để xuất khẩu, nhưng nếu doanh nghiệp chỉ chăm chăm mục tiêu “đi Tây” mà bỏ ngỏ thị trường trong nước thì chắc chắn sẽ là thiếu sót vô cùng đáng tiếc.