Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng "chốt" 3 kịch bản kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020
Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay, Kịch bản 1 được xây dựng dựa trên giả thiết “điều kiện bình thường” của nền kinh tế. Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1, song có một số điều chỉnh theo hướng lạc quan (tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn, khu vực tư nhân lạc quan hơn vào tiến trình cải cách ở Việt Nam, v.v.) và có mức độ nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lớn hơn.
Kịch bản 3 giống với Kịch bản 1, song có đột phá về cải cách, chính sách kinh tế (trong đó có môi trường đầu tư-kinh doanh, chính sách cạnh tranh, đổi mới sáng tạo) dẫn tới cải thiện vốn đầu tư của khu vực tư nhân, cải thiện hiệu quả của DNNN, tạo được tác động lan tỏa tích cực của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước, v.v.
Trong Kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm trong giai đoạn 2018-2020 và 6,63%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đóng góp của tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP tăng từ 32,07% năm 2018 lên 35,49% năm 2020.
Dự báo lạm phát trong các kịch bản này đều ở mức dưới 4%/năm (tính theo trung bình CPI). Tăng trưởng xuất khẩu dự báo giảm còn 12,15% năm 2018 và 9,63% năm 2019, trước khi phục hồi ở mức hai chữ số năm 2020. Cán cân thương mại dự báo biến động giữa thặng dư và thâm hụt, trung bình đạt -0,19% GDP trong giai đoạn 2018-2020 và 0,24% GDP giai đoạn 2016-2020. Thâm hụt NSNN có xu hướng giảm liên tục, dự báo đạt mức 3,49% GDP vào năm 2020. Trong điều kiện cải thiện kỷ luật NSNN và vay nợ của Chính phủ, mức nợ công cũng giảm liên tục xuống còn 60,22% GDP vào năm 2020.
Trong Kịch bản 2, tốc độ tăng trưởng GDP nhìn chung đạt mục tiêu đề ra, trung bình đạt 6,83%/năm giai đoạn 2018-2020 và 6,70%/năm giai đoạn 2016-2020. Tăng trưởng có đóng góp ít hơn của tăng trưởng TFP: đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP tương ứng đạt 31,55% năm 2018 và 35,71% năm 2020.
Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn và tổng cầu tăng, mức tăng trưởng xuất khẩu đều ở mức 2 chữ số trong giai đoạn 2018-2020, trung bình đạt 12,4%/năm giai đoạn này và 14,41%/năm giai đoạn 2016-2020.
Lạm phát cao hơn một chút so với Kịch bản 1, thậm chí vượt 4% vào 2019-2020. Thâm hụt thương mại (so với GDP) cao hơn so với Kịch bản 1 trong giai đoạn 2019-2020. Thâm hụt NSNN tăng nhẹ so với kịch bản 1 trong 2019-2020. Nợ công giảm chậm hơn, còn 60,52% GDP vào năm 2020. Nếu theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn.
Kịch bản 3 là có đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Theo kịch bản này, tốc độ tăng trưởng GDP vượt đáng kể mục tiêu đề ra, trung bình đạt 7,47%/năm giai đoạn 2018-2020 và 7,08%/năm giai đoạn 2016-2020. Tăng trưởng có đóng góp chủ yếu từ tăng trưởng TFP: đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP tương ứng đạt 35,11% năm 2018 và 44,27% năm 2020.
Trong điều kiện hiệu quả sản xuất được cải thiện, cạnh tranh xuất khẩu tăng, và tăng trưởng xuất khẩu đều ở mức cao trong giai đoạn 2018-2020, trung bình đạt 15,51%/năm giai đoạn này và 15,28%/năm giai đoạn 2016-2020. Lạm phát thấp hơn một chút so với Kịch bản 1. Thặng dư thương mại (so với GDP) cao hơn so với Kịch bản 1. Thâm hụt NSNN ổn định ở mức dưới 3,5% GDP. Nợ công giảm nhanh hơn, còn 58,28% GDP vào năm 2020. Nếu theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.