Nậm Pung là xã vùng cao của huyện Bát Xát, có 352 hộ, chủ yếu là đồng bào Dao và đồng bào Hà Nhì sinh sống. Diện tích đất tự nhiên lớn, nguồn nước phong phú, khí hậu mát mẻ là tiềm năng và lợi thế để địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp.
Người dân Nậm Pung chăm sóc vườn lê.
Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Pung đã ban hành các nghị quyết chuyên đề phù hợp với thực tế của địa phương, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Ông Tẩn Sài Chiêu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung cho biết: Năm 2009, cây lê VH6 được đưa vào trồng thí điểm tại địa phương với hy vọng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, nhưng do là cây trồng mới nên ban đầu, người dân còn hoài nghi, không đăng ký trồng.
Những cây lê Tai Nung ở xã Nậm Nung đang bước vào thời kỳ thu hoạch quả.
Với phương châm cán bộ, đảng viên làm gương để người dân làm theo, ông Tẩn Sài Chiêu là một trong những cán bộ đầu tiên của xã Nậm Pung đưa 400 cây lê VH6 vào trồng trên vườn đồi của gia đình. Ông chăm sóc vườn lê theo kỹ thuật được hướng dẫn nên sau 3 năm, cây đã ra quả và đến năm thứ tư thì bắt đầu cho thu hoạch. Với năng suất từ 25 đến 30 kg quả/cây, chất lượng quả thơm, ngon, nên quả lê Tai nung được thị trường chấp nhận, cung không đủ cầu.
Cũng là một trong những hộ đầu tiên đưa cây lê vào trồng, anh Tẩn Sài Lù, thôn Kin Chu Phìn 1 cho biết: Sau gần 10 năm đưa vào trồng, tôi thấy cây lê VH6 phù hợp với điều kiện của địa phương, cho năng suất cao, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp.
Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn lê của gia đình tôi rất sai quả, có cây thu được hơn 50 kg quả. Hiện đầu ra cho sản phẩm lê Tai Nung khá thuận lợi, thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Vụ thu hoạch lê vừa qua, gia đình tôi thu về hơn 50 triệu đồng. Nhờ trồng lê Tai Nung, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn.
Nhiều cành lê Tai Nung thấp tè sát đất nhưng rất sai quả.
Hiện diện tích lê VH6 cho thu hoạch ở xã Nậm Pung khoảng 10 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2, Nậm Pung, Sín Chải, năng suất trung bình đạt 4 - 5 tấn/ha, với giá bán từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu từ 120 đến 150 triệu đồng/ha. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây trồng này, từ năm 2013 đến nay, xã đã vận động bà con trồng thêm hơn 80 ha, nâng tổng diện tích lê VH6 của toàn xã lên hơn 90 ha.
Nhằm giúp người dân có thêm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bên cạnh việc phát triển cây lê VH6 thành vùng hàng hóa, năm 2015, xã vận động bà con sản xuất cây trồng vụ đông với diện tích 35 ha. Năm 2017, xã vận động người dân đưa giống lúa Séng cù vào gieo cấy trên 100% diện tích lúa vụ mùa, chuyển đổi 10 ha đất ruộng thiếu nước sang trồng cây đương quy.
Thời điểm lê Tai Nung chín, du khách có thể vào tận vườn tự hái quả ăn. Hình thức du lịch vườn cây trái đang dần phát triển ở các xã Y Tý, Naamk Pung của huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Đức Phương.
Nhờ đó, trên địa bàn xã Nậm Pung xuất hiện những mô hình cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ha (trồng bắp cải, su hào, rau gia vị), thậm chí có mô hình cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha, như trồng cây đương quy, rau trái vụ... Các mô hình kinh tế này đang được địa phương duy trì và nhân rộng.
Bên cạnh đó, nhận thấy tiềm năng về nuôi cá nước lạnh, chính quyền xã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư xây dựng hệ thống bể nuôi cá tầm và cá hồi. Trên địa bàn xã hiện đang duy trì 2 mô hình nuôi cá nước lạnh với diện tích mặt nước 2,1 ha, sản lượng đạt gần 20 tấn/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 6 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Để thuận lợi trong việc triển khai các mô hình kinh tế mới, xã cử cán bộ nông nghiệp tích cực xuống cơ sở, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Tẩn Sài Chiêu, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, để giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là giải pháp căn cơ. Với việc chọn đúng hướng đi trong phát triển kinh tế nên trong năm 2017, xã giảm được 51 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2015. Xã đã hoàn thành 8/19 tiêu chí nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến và quan trọng hơn là đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. |