Dân Việt

Khó có thể hủy hợp đồng giữa Ba Huân và VinaCapital

Quốc Hải 06/08/2018 18:19 GMT+7
Những tưởng được “chiếc bánh lớn rơi trúng đầu” khi nhận về khoản đầu tư 32,5 triệu USD từ VinaCapital, thế nhưng dường như “chiếc bánh” ấy không hề ngọt khi những toan tính của nhà đầu tư ngoại không phải là điều mà một giám đốc nông dân nghĩ tới.

img

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công CP Ba Huân đang nếm "trái đắng" với những thỏa thuận không rõ ràng với VinaCapital (Ảnh: IT)

Mới đây nhất, Công ty CP Ba Huân đã có văn bản gửi Thủ tướng nhờ can thiệp hủy thỏa thuận hợp tác 32,5 triệu USD với VinaCapital. Và công ty CP Ba Huân gọi đó là "bản báo cáo" thông tin cho Chính phủ về việc hợp tác với VinaCapital và hiện hai bên đang tiếp tục đàm phán, tìm tiếng nói chung. 

"Chiếc bánh" không ngọt

Còn nhớ, cuối tháng 2.2018, cái tên Ba Huân đã thu hút sự quan tâm của dư luận khi thông tin họ nhận được số tiền đầu tư hàng chục triệu USD từ Quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý. Tất nhiên, theo đánh giá của giới đầu tư thì việc Công ty CP Ba Huân có thêm khoản vốn lên tới 32,5 triệu USD được đánh giá là “chiếc bánh lớn rơi trúng đầu”. Bởi đến cuối năm 2017, Ba Huân đang rất cần vốn để đầu tư dây chuyền mở rộng sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường; đặc biệt là để chiếm lĩnh thị phần nhiều nhất có thể trước khi Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát, Dabaco hay Công ty CP ĐTK gia nhập cuộc chơi thị phần trứng gia cầm.

Ở thời điểm đó, khi Ba Huân “gật đầu” với VinaCapital thì chắc chắn phải chấp nhận cái giá của nó, bởi để nhận dòng vốn từ VinaCapital, Ba Huân buộc phải chia sẻ quyền lực cũng như chấp nhận mang công ty vào thử thách mới, phương thức điều hành và quản lý mới.

“VinaCapital đến không chỉ mang theo tiền mà còn mang theo nhiều nhân sự và can dự trực tiếp vào cơ cấu tổ chức của công ty, đặc biệt là mảng quản lý, điều hành”, bà Ba Huân đã chia sẻ với báo chí như thế tại tọa đàm “Phụ nữ quản trị bằng yêu thương” về chuyện ký kết hợp tác với VinaCapital.

Thế nên, câu chuyện “đổ vỡ” giữa Ba Huân và VinaCapital sẽ không lạ, ít nhất là đối với giới chuyên gia tài chính. Trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp của một công ty sản xuất trứng gia cầm tại Đồng Nai phân tích, trứng gia cầm là mặt hàng có biên lợi nhuận rất thấp, khoảng dưới 5%, nên doanh nghiệp cần những chiến lược phát triển dài hạn, thay vì chọn một quỹ đầu tư với tầm nhìn 3 - 5 năm và chỉ tập trung tăng lợi nhuận để rút vốn khi cần thiết. Về trường hợp VinaCapital đầu tư 32,5 triệu USD vào Ba Huân, vị này cho rằng, Ba Huân nên chọn hợp tác cùng các doanh nghiệp thực phẩm cùng ngành như Tập đoàn Masan, CoopMart,...thay vì bán 34% cho VinaCapital vì có thể Quỹ này sẽ rút vốn ngay khi đạt lợi nhuận mong đợi.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty CP Chứng khoán Tân Việt cho rằng, trong trường hợp Ba Huân buộc phải đổi một lượng cổ phần để lấy khoản tài chính nhất định thì nên chọn đối tác chiến lược cùng ngành để có thể bổ trợ cho nhau kinh nghiệm quản trị, sản xuất và hệ thống phân phối, thay vì một quỹ tài chính. Bởi các quỹ này cũng luôn phải chịu áp lực từ cổ đông góp vốn với những đồng tiền phải sinh lời tối đa trong thời gian ngắn tối thiểu.

“Tôi thấy khá buồn cười và vô lý, nếu hợp đồng bằng tiếng Anh đã được ký thì sao có chuyện hợp đồng tiếng Việt lại thay đổi. Công ty Ba Huân không có người rành tiếng Anh hay là một quỹ đầu tư lớn như VinaCapital lại lừa doanh nghiệp vào tròng?”, vị này nói.

Có hủy được hợp đồng?

Liên quan đến vụ lình xình giữa Ba Huân và VinaCapital, luật sư - tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính phân tích, về pháp luật dân sự, hợp đồng tiếng Anh có giá trị như tiếng Việt. Vấn đề quan trọng là những quy định trong hợp đồng tiếng Anh đó có vi phạm những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì lúc đó hợp đồng mới vô hiệu.

“Về nguyên tắc, tuyên hợp đồng vô hiệu hay không chỉ là tòa án hoặc trọng tài thương mại, cho nên nếu Ba Huân đã ký hợp đồng với VinaCapital rồi mà tập đoàn này không chịu hủy thì cũng chịu thua. Bởi vậy lúc này Ba Huân cần phải xem xét lại các điều khoản trên hợp đồng một cách cụ thể xem có vi phạm những nguyên tác cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không, nếu không vi phạm thì hợp đồng vẫn tiến hành bình thường”, ông Tín nhận định.

Trong khi đó, dù phía Công ty Ba Huân đã có văn bản cầu cứu Thủ tướng do lo ngại bị VinaCapital thâu tóm nhưng phía tập đoàn này hiện chưa lên tiếng bất cứ thông tin gì. Liên lạc với ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital nhưng đầu mối này chỉ yêu cầu để lại lời nhắn đã ghi âm sẵn.

Trước đó, trao đổi với Dân Việt sáng nay (6.8), bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công CP Ba Huân (thường gọi bà Ba Huân) cho biết, thời điểm ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên cũng cận kề tết Nguyên đán Mậu Tuất nên việc chuẩn bị chưa được chu tất. Lúc này, VinaCapital đưa qua bảng thỏa thuận bằng tiếng Anh và hai bên đã ký văn bản này. Khoảng 20 ngày sau đó, phía VinaCapital chuyển văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt sang thì Ba Huân đối chiếu và phát hiện có nhiều điểm không hợp lý. Đến nay, văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt giữa hai bên vẫn chưa được ký.

Cụ thể, trong văn bản bằng tiếng Anh, VinaCapital đã đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%. Ngoài ra, VinaCapital cũng hạn chế ngành nghề hoạt động kinh doanh của Ba Huân, chỉ gồm sản xuất kinh doanh thịt gà, trứng gà và loại bỏ các ngành kinh doanh khác. Đặc biệt, Quỹ đầu tư này cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả kinh doanh như thỏa thuận sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một quỹ đầu tư do VinaCapital chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần.

Cho rằng những yêu cầu này là không hợp lý, vì mức lãi suất quá cao, lại bị bó hẹp phạm vi hoạt động nên Ba Huân đã đề nghị phía VinaCapital hủy bỏ thỏa thuận. Tuy nhiên, đến nay, phía VinaCapital vẫn chưa đồng ý đề nghị này, thay vào đó có ý định trì hoãn, yêu cầu Ba Huân phải thanh toán thêm cho các chi phí phát sinh với lãi suất 22%.