Dân Việt

Trà xanh không pha uống, muối mặn làm sa lát, dân lại thích mê

San Nguyễn 08/08/2018 14:32 GMT+7
Nhắc đến lá trà, mọi người sẽ nghĩ đến cách sử dụng duy nhất là uống. Nhưng tại đất nước Phật giáo Myanmar, lá trà được ăn trực tiếp trong món ăn hằng này, thậm chí là món ăn vặt được đóng túi như bim bim.

img

Trà xanh kết hợp với các thực phẩm khác để tạo thành món salad 

Trong tiếng Myanmar, “lahpet” có nghĩa là trà xanh. Vào mùa thu hoạch trà, người dân Myanmar sẽ để lại một nửa lá trà sấy khô rồi uống, và nửa còn lại dùng để lên men. Công đoạn lên men trà là một quá trình dài và được bắt đầu ngay sau khi lá trà được hái xuống, trước khi chúng bị oxy hóa. Lá trà Assam vừa hái xuống sẽ được hấp, ép trong những chiếc hũ, cài vỉ tre, rồi chèn đá nặng lên bề mặt và chôn xuống lòng đất ít nhất khoảng 4 tháng và có thể kéo dài đến 2 năm.

img

Trà xanh lên men được bán tại các khu chợ dân sinh 

Dù thời gian lên men lâu như vậy nhưng những đặc tính của lá trà xanh cũng không hề mất đi, chúng vẫn giữ được một lượng lớn các chất phenol chống oxy hóa. Những lá trà lúc này có vị hơi chua và đắng, và cũng có mùi hương tương tự như đất ẩm sau cơn mưa, khẽ thoảng chút hương cam quýt nhẹ.

Món trà này được bày bán rất nhiều ở các chợ địa phương và là một món ăn phổ biến. Trà xanh kết hợp với các loại gia vị và thực phẩm khác như cà chua, tỏi, cá cơm nhỏ, đậu phộng, ớt được dùng như món salad ăn nhẹ, ăn chơi trước bữa ăn tại các quán ăn, nhà hàng. Tất cả những thành phần này được bày riêng rẽ trên đĩa để người ăn tự kết hợp chúng lại với nhau. 

img

Trà xanh là món ăn phổ biến tại Myanmar 

Vị mặn mặn của lá trà cộng với độ giòn, bùi của các loại hạt, độ ngọt của rau củ. Tạo ra mùi thơm và phong vị riêng của những lá trà mềm mại này, khiến cho nó trở thành một món ăn nổi tiếng tại Myanmar. Bất cứ ai đến đất nước này đều muốn được thử qua món ăn đặc biệt này.