Dân Việt

Muốn nông sản "vi vu" thế giới, người Việt phải học cách "lập chợ"

Tố Loan 07/08/2018 19:00 GMT+7
Là nước sản xuất và xuất khẩu nhiều loại nông sản nhưng ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn bị đánh giá là manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được giá trị tương xứng. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa biết cách “bán”, chưa biết tổ chức các chợ nông sản một cách quy mô và bài bản.

Trông người ngẫm ta

Chợ đầu mối Rungis ở Pháp là nơi cung cấp hàng nông sản thực phẩm cho toàn bộ thủ đô Paris và vùng phụ cận với 18 triệu dân. Chợ hình thành từ năm 1969 với diện tích 234ha, buôn bán tất cả hàng hóa nông sản của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Loại trái cây duy nhất của Việt Nam được bán tại chợ này là chanh leo với giá buôn 6-8 euro/kg tùy thời điểm.

img

Các loại nông sản Việt được VinEco giới thiệu tại “Tuần lễ nông sản Việt Nam 2018” diễn ra ở chợ đầu mối quốc tế Rungis - Pháp. Ảnh: T.L

Theo đề án xây dựng mới chợ đầu mối quốc tế, Việt Nam sẽ xây dựng 3 chợ đầu mối quốc tế với quy mô từ 200ha - 1.000ha, suất đầu tư cho 1ha của chợ này vào khoảng 1 triệu USD với việc xã hội hóa hoàn toàn nguồn vốn. Giá trị thương mại mỗi năm được trông đợi khoảng 1.500% so với tổng vốn đầu tư.

Chợ thường xuyên có 70 cán bộ thú y kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nhập hàng tới khi xuất hàng. Các mặt hàng tại chợ Rungis, đặc biệt là hàng thực phẩm tươi sống, đều có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 mẫu lấy tại đây được phân tích trong phòng thí nghiệm, tìm dấu vết dư lượng hormone, kháng sinh, hóa chất hay ký sinh trùng.

Trong khi đó, chợ đầu mối ở nước ta mới chỉ dừng ở vai trò trung chuyển hàng hóa chứ chưa thể triển khai cung ứng, tiêu thụ nông sản bài bản. Đơn cử, Hà Nội có 2 chợ đầu mối là chợ phía Nam (quận Hoàng Mai) với khoảng 460 hộ kinh doanh, lưu thông 200-400 tấn hàng hoá nông sản mỗi ngày và chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) có hơn 700 hộ kinh doanh với khoảng 350 tấn hàng hoá luân chuyển mỗi ngày.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 4 chợ có tính chất đầu mối (nhưng thực chất là chợ hạng 2, do UBND quận quản lý), gồm: Chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ hoa Quảng An.

img

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu với Tổng Giám đốc điều hành chợ đầu mối quốc tế Rungis về hàng nông sản Việt Nam. Ảnh: M.Q

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, 6 chợ trên đều chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản của Hà Nội, chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm, chủ yếu đảm nhiệm việc tập trung phân phối cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, hạn chế của chợ đầu mối là đa số vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống (giao ngay), mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.

Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ mua bán như ngân hàng, bảo hiểm, giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu; dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn.

Thay đổi cách “đi chợ”

Đề án xây dựng mới chợ đầu mối quốc tế do Bộ Công Thương triển khai không chỉ nhằm giải quyết triệt để các tồn tại trên mà còn hướng tới mục tiêu xa hơn là phát huy vai trò của các chợ đầu mối nội địa trong việc điều phối và lưu thông hàng hóa.

Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng 3 chợ đầu mối quốc tế, sẽ là tổ hợp gồm trung tâm quản lý điều hành, khu bán lẻ và bán buôn, chợ bán nông sản, đặc sản vùng miền, trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm đấu giá hàng hóa, sàn thương mại điện tử, container bán hàng tự động (ATM - ATF) trong và ngoài chợ.

img

Đa phần chợ đầu mối ở VN mới chỉ dừng lại ở chức năng trung chuyển hàng hóa. Ảnh: IT

Ông Nguyễn Hồng Long - Giám đốc Công ty TNHH MTV Proton cho biết, xu hướng hoạt động của chợ đầu mối trong thời gian tới không chỉ có mua và bán vì phải cạnh tranh gay gắt với kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử.

Mới đây, Công ty TNHH MTV Proton đã ký hợp đồng ghi nhớ với một tập đoàn châu Âu trong việc xây dựng chợ đầu mối quốc tế tại khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, thực hiện trong 3 năm tới.

Theo ông Long, chợ đầu mối quốc tế là một tổ hợp kinh tế liên ngành có thương mại, logictis, du lịch với nhiều hạng mục như: Trang trại mẫu, trung tâm thu mua nông sản tập trung, khu đấu giá nông sản, phòng kiểm nghiệm, khu triển lãm - hội chợ quốc tế, khu công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp, cụm trường đào tạo nhân lực cho nông nghiệp…

Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho dự án từ 2 tỷ USD trở lên theo hình thức xã hội hóa 100%. Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mô hình này và sẵn sàng rót vốn chính (khoảng 70%).